Năm 2020 mới đi qua được 4 tháng, nhưng kinh tế thế giới u ám, nhiều thành phố chìm trong vắng lặng, các nước tất bật với phòng dịch… Nguyên nhân xuất phát từ sự xuất hiện của Covid-19. Mối đe dọa của chủng virus này khiến nhiều nước phải đưa ra các quyết định chưa từng có tiền lệ như đóng cửa biên giới, phong tỏa hoàn toàn hay một phần đất nước, cấm các chuyến bay từ nước ngoài… Giữa bối cảnh đó, không chỉ thịt, cá, rau xanh lên “cơn sốt” mà khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và máy thở được người dân khắp nơi lùng mua.
Không chỉ có vậy, thời tiết của năm 2020 cũng xuất hiện những điều bất thường, những vụ thiên tai xảy ra liên tiếp… đẩy con người vào cảnh khó khăn.
Mưa đá kỳ lạ mùng 1 Tết và những trận liên tiếp ở các tỉnh thành
Tết Nguyên đán là lúc các gia đình Việt Nam đoàn tụ sau một năm học tập, lao động vất vả. Hẳn là ai cũng nhớ cái không khí xuân đặc trưng của ngày Tết là mưa phùn, gió lạnh trong sắc đỏ của đào, màu vàng của quất. Thế nhưng, khi người người nhà nhà vừa bước sang năm mới thì những cơn mưa đá ào ào trút xuống nhiều tỉnh thành.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng hiện tượng mưa đá, mưa dông, sấm sét trong đêm giao thừa Tết Canh Tý ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc là hiện tượng “30 năm mới thấy một lần”.
Nhiều người suy nghĩ về hiện tượng bất thường, song đó chỉ là dấu hiệu cho thấy sự biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Ngay ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch, nhiều gia đình phải ở trong nhà vì nước ngập sân, ngập đường, ảnh hưởng đến việc chúc Tết – truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời này mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đứng ở góc độ khí tượng thủy văn, vấn đề này được lý giải là do trước đêm giao thừa, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có nắng nóng. Lúc không khí lạnh tràn về, gây chênh lệch nhiệt độ và dẫn đến xáo trộn, thiếu ổn định về nền nhiệt của thời tiết.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ của người dân thì không ít người ở tuổi xưa nay hiếm cũng nhận thấy Tết vừa qua là đặc biệt nhất. Bởi có sự xuất hiện của cơn mưa dông, mưa đá ngay khi chưa vào hè.
Trước đây, chuyện mưa đá được xem là hãn hữu thì vài ba tháng trở lại đây xuất hiện liên tục. Đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các trận mưa đá trút xuống ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, nhà cửa của người dân.
Sự xuất hiện và những mối đe dọa của COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ
Sự xuất hiện của COVID-19 đã làm cho mọi thứ đình trệ từ kinh tế, du lịch, xã hội và các hoạt động thường ngày bị đảo lộn.
Ngay từ cuối năm 2019, ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã xuất hiện những ca mắc phải căn bệnh viêm phổi lạ. Ở thời điểm đó, hàng tỷ người trên thế giới chỉ nghĩ nó là một căn bệnh viêm phổi thông thường như cúm mùa. Thế nhưng, từ cuối tháng 1, chủng virus corona mới đã khiến cho hàng ngàn người ở Vũ Hán nhiễm bệnh. Tốc độ lây lan chóng mặt của COVID-19 khiến chính quyền Trung Quốc phải đưa ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán. Lệnh phong tỏa đã khiến thành phố 11 triệu dân trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Từ thời điểm đó, người dân Trung Quốc và thế giới đã chứng kiến một làn sóng các ca nhiễm bệnh.
Từ Trung Quốc, COVID-19 đã len lỏi sang các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Đến gần cuối tháng 4, COVID-19 vẫn là mối nguy với nhiều quốc gia. Hàng triệu bác sĩ tuyến đầu khắp thế giới vẫn vẫn vật lộn từng giờ cứu sống bệnh nhân.
Tính đến sáng 26/4, thế giới có hơn 2,8 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 196.000 trường hợp tử vong, hơn 779.000 ca hồi phục. Vũ Hán đã được lệnh gỡ phong tỏa sau 76 ngày từ ngày 8/4 nhưng cuộc chiến với COVID-19 ở không ít quốc gia mới chỉ là bắt đầu và chưa đạt “đỉnh”.
Tại Việt Nam, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt, nghiêm túc, đúng đắn. Sự cố gắng của cả hệ thống chính trị đã giúp các hoạt động xã hội trở lại gần như bình thường. Đến nay, Việt Nam có 270 ca nhiễm bệnh, 225 ca đã được chữa khỏi và 0 có trường hợp nào tử vong. Những kết quả và bài học kinh nghiệm phòng chống dịch của Việt Nam đã được thế giới quan tâm và đánh giá cao. Nhưng vẫn còn đó nỗi lo đối với COVID-19, bất cứ ai cũng không nên và không được chủ quan ở thời điểm này.
Lần đầu tiên cách ly xã hội, công bố dịch bệnh
Cách ly xã hội là khái niệm mới mẻ với nhiều người. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly toàn xã hội. Những con đường vốn dĩ đông đúc trở nên vắng vẻ và người dân chọn ở nhà nhiều nhất có thể... Điều có thể nhận thấy là người dân đã cùng đồng lòng với cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Trưa 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc Chính phủ đã liên tục có những biện pháp quyết liệt và tăng dần cấp độ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh việc tạm hoãn, dừng mọi chuyến bay quốc tế, Chính phủ quyết định dừng cấp thị thực cho toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Lần đầu tiên phong tỏa bệnh viện hàng đầu Việt Nam khi một số nhân viên công ty Trường Sinh – cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viện Bạch Mai bị phát hiện dương tính với COVID-19 cũng như 2 nhân viên bệnh viện cũng có kết quả như vậy. Trong thời gian phong tỏa, các nhân viên bệnh viện không về nhà. Họ vẫn cần mẫn làm việc để thay người nhà chăm sóc các bệnh nhân, điều trị cho những ca nặng. Bởi họ hiểu trách nhiệm lớn mà mình đang gánh trên vai, giành giật sự sống cho từng bệnh nhân.
Kỳ nghỉ học dài chưa từng có, kỳ thi ĐH đau đầu nhất, lịch đi học khiến HS và phụ huynh thấp thỏm nhất
Khi liên tiếp các ca bệnh dương tính với COVID-19 ở Việt Nam được ghi nhận, nhiều địa phương trong cả nước đã quyết định đóng cửa trường học ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trường đại học. Việc cùng lúc đóng cửa trường học như vậy gần như chưa xảy ra, ngoại trừ dịp Tết hay các dịp nghỉ lễ. Cho đến nay 27/4, nhiều trường học vẫn chưa mở cửa trở lại. Việc học tập ở lớp được thay đổi bằng cách học online. Ban đầu, giáo viên, học sinh đều bỡ ngỡ nhưng dần dần mọi thứ cũng đi vào nề nếp.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều học sinh chưa hề gặp lại giáo viên, bạn bè từ kỳ nghỉ Tết. Đa số các bậc phụ huynh cho rằng việc học là việc cả đời, an toàn và sức khỏe là điều cần đặt lên hàng đầu ở thời điểm này. Và cứ sau mỗi tuần, các địa phương lại đưa ra thông báo về việc học sinh đến lớp hay chưa cũng khiến phụ huynh thấp thỏm. Trước diễn biến của dịch đi vào nền nếp, một tuần, 2 tuần, 3 tuần… và đến nay đã gần 2 tháng nhiều trường học vẫn chưa trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, với các em học sinh cuối cấp đặc biệt là các em học sinh lớp 12, ngành giáo dục cũng phải tính toán các phương án để đảm bảo việc thi đại học diễn ra thuận lợi, an toàn. Sau nhiều cân nhắc, bàn bạc, phương án cuối cùng được chốt là năm 2020 học sinh lớp 12 sẽ chỉ thi tốt nghiệp THPT với mục đich chính để xét tốt nghiệp. Một số trường đại học vẫn lấy kết quả này để xét tuyển, song một số trường đại học nhất là khối trường y dược sẽ có phương án thi tuyển sinh riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thứ hot nhất chính là khẩu trang, nước sát khuẩn, máy trợ thở
Chúng ta vẫn thường thấy những món ăn ngon lên cơn sốt khiến dân tình xếp hàng. Tuy nhiên, năm 2020 lại chứng kiến sự “lên ngôi” của khẩu trang, nước sát khuẩn tay. Khắp mạng xã hội cho đến các cửa hàng, khẩu trang và nước sát khuẩn tay được tìm mua nhiều nhất. Thậm chí, mức giá đội lên 2-3 lần so với ngày thường mà vẫn không có để mua. Mặt hàng được nhiều người hỏi mua nhất là khẩu trang. Nhiều nước trên thế giới lâm vào cảnh “cháy” khẩu trang do lượng người mua quá đông.
Ở nhiều quốc gia có hàng chục ngàn ca mắc, nhu cầu dùng máy thở tăng lên khi diễn biến bênh nặng, đặt ra vấn đề là máy thở ở đâu hoặc số lượng máy quá ít. Các quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức chi tiền để trang bị thêm máy thở, nhưng nguồn cung không phải dồi dào. Trong khi đó, hàng chục quốc gia cần đến máy thở dẫn đến việc khan hiếm là điều khó tránh.
Làm việc ở nhà trở thành hot trend khắp thế giới
Làm ở nhà hay “Working from home” trở thành hot trend khắp thế giới. Nhằm phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, các công ty cho phép nhân viên làm ở nhà trong vài tuần, thậm chí cả tháng trời. Từ chỗ các nhân viên tiếp xúc mặt đôi mặt ở văn phòng thì nay phải làm quen với họp qua mạng, trao đổi qua thư điện tử nhiều hơn, bàn bạc kế hoạch thông qua các công cụ chat…
Dù chủ các doanh nghiệp hiểu được rằng việc làm ở nhà không thể có hiệu quả 100%, nhưng dường như không còn lựa chọn nào khác giữa mùa dịch COVID-19. Họ cũng chấp nhận một điều là cả sếp, nhân viên cùng thay đổi. Hiệu quả công việc cần đảm bảo song an toàn, tính mạng của nhân viên được đặt lên hàng đầu.
Máy bay "đắp chiếu", cửa hàng và trung tâm thương mại đồng loạt đóng cửa
Người Á Đông vẫn nói “phi thương bất phú”, điều đó cho thấy vai trò của kinh doanh trong đời sống xã hội. Kinh doanh không chỉ là cách đáp ứng các nhu cầu của khách mà còn giúp chủ các cửa hàng kiếm tiền, đóng thuế cho ngân sách.
Nhưng, khi dịch bệnh xuất hiện, chẳng còn ai có tâm trí nghĩ đến mua sắm. Đó là chưa kể tiền lương eo hẹp, thu nhập giảm sút... nên phải thắt chặt hầu bao. Không chỉ các cửa hàng mà dịch COVID-19 kéo theo hệ lụy với các nhà hàng, khách sạn, ngành du lịch cũng như các ngành nghề sản xuất khác.
Theo một kết quả khảo sát nhanh, gần 74% DN cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch kéo dài 6 tháng. Nguy cơ đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đa số các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở kinh doanh lo rất nhiều khoản phải chi trong đó đáng kể là chi phí thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên…
Cho đến nay, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, không có nghĩa mọi thứ đã hồi phục hoàn toàn. Lượng khách mua bán ở các trung tâm thương mại, cửa hàng vẫn chưa thể đạt được như trước khi có dịch COVID-19. Có lẽ mọi thứ cần thời gian…
Ngành hàng không Việt Nam cũng rơi vào thảm cảnh. Nhiều chặng bay quốc tế của các hãng ngừng hoạt động, các chuyến trong nước cũng bị cắt. Hình ảnh những chiếc máy bay đỗ kín các sân bay là điều không hiếm giữa mùa dịch COVID-19. Không ít hãng đã phải sa thải tiếp viên, phi công để cắt giảm chi phí hoặc các nhân viên phải nghỉ không lương chờ khi hết dịch bệnh. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Giá xăng giảm xuống thấp nhất 11 năm qua
Gần 11 năm, người dân Việt Nam lại chứng kiến mức giá xăng thấp kỷ lục. Chiều 29/3/2020, mức giá xăng E5 Ron92 giảm còn 11.956 đồng/lít. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Nhiều người thực sự choáng về mức giá xăng nhưng nghịch lý là đổ đầy bình cũng chẳng làm gì vì không thể đi đâu xa. Nguyên nhân bởi người người, nhà nhà ở nhà nhiều nhất có thể để phòng dịch bệnh.
Tuy nhiên, gây sốc nhất có lẽ là thông tin giá dầu thế giới xuống mức âm – lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày 22/4/2020, mức giá dầu WTI xuống mức - 40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. Sở dĩ mức giá giảm sâu và không tin nổi như vậy là do nhu cầu dùng nhiên liệu giảm mạnh bởi nhiều quốc gia thực hiện giãn cách xã hội đồng thời kho dự trữ dầu đang quá nhiều, vượt cả nhu cầu thế giới. Giá dầu xuống mức âm cũng có thể tạm hiểu là người bán phải trả thêm cho người mua, song đâu phải dễ tìm khách vì nhu cầu quá thấp.
*** Còn hơn 8 tháng ở phía trước mới kết thúc năm 2020, nhưng người dân Việt Nam và thế giới có lẽ đã cảm nhận được sự tác động của COVID-19. Chưa ai dám khẳng định bao giờ sẽ kết thúc dịch cũng như thời điểm nào sẽ có vắc xin, vì thế tất cả mọi người đều cần phải có ý thức chăm sóc sức khỏe vì dịch bệnh không chừa một ai.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố “bằng nhiều biện pháp cụ thể, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, nhưng mỗi người đều không được chủ quan, lơi là việc phòng ngừa dịch bệnh để ổn định tình hình kinh tế xã hội, đưa nhịp sống bình thường trở lại.