Theo quy định, trước ngày 31/12 các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình tiền lương năm 2017 và kế hoạch thưởng Tết 2018 lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH).
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng cục Quan hệ lao động và Tiền lương Bộ LĐ, TB & XH chia sẻ trên báo Giao Thông: “Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu tăng nhẹ từ 1/1/2018. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thưởng Tết vì đây là thành quả kinh doanh của năm 2017”.
Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng bà Minh nhận định rằng mức thưởng Tết năm nay sẽ khả quan hơn năm vừa rồi.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, muốn giữ chân lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ doanh nghiệp phải có chính sách đãi ngộ phù hợp, ghi nhận sự cống hiến của người lao động”.
Ông Phòng cho rằng hiện nay đa số các doanh nghiệp đều có xu hướng thưởng Tết bằng một tháng lương cho người lao động. Được biết, mức thưởng Tết cao nhất năm ngoái lên đến 1 tỷ đồng. Đây là mức thưởng của một doanh nghiệp ở địa bàn TP.HCM. Còn mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng tại một doanh nghiệp ở Bến Tre.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nhận định: “Bề mặt chung, tiền thưởng vẫn sẽ dao động trong khoảng 1 tháng lương. Riêng với một số ngành sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản… dù có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn giữ được sự ổn định. Vì vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp thuộc các ngành này vẫn sẽ giữ được mức thưởng như các năm trước”.
Riêng ngành ngân hàng có thể thưởng gấp 3 lần mức lương bình thường. Bên cạnh đó, những ngành như bất động sản, dịch vụ du lịch có thể đột biến về thưởng Tết nhờ tăng trưởng tốt.