Những ngày qua, tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều cây xanh bị lật gốc đè bẹp ô tô hư hỏng nặng.
Cụ thể, đêm ngày 8-6 cây xà cừ trong khuôn viên Cung Văn hoá Thể thao Thanh niên (TP Hải Phòng) đã bị bật gốc, đổ vào một ô tô con hiệu Kia đỗ ngay cạnh đó. Khi này, không có người ngồi trong xe.
Cũng trong tối 8-6, trên đường Huỳnh Văn Nghệ (thuộc khu phố 7, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), chị Thuý (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) đậu ô tô bốn chỗ trên đường Huỳnh Văn Nghệ. Lúc này trời mưa giông làm cây trên vỉa hè có đường kính gần 50cm bị đổ xuống đường đè trúng chiếc ô tô. Hậu quả, chiếc xe bị bẹp phía sau xe và bể kính.
Từ đây, vấn đề được nhiều người đặt ra là trách nhiệm của các bên ra sao trong việc xử lý chiếc ô tô bị hư hỏng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hùng Quân, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong các trường hợp này sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.
Theo đó, nguyên tắc giải quyết là bên nào có lỗi gây ra thiệt hại, chủ sở hữu/người chiếm hữu/người quản lý tài sản có lỗi để tài sản gây ra thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Cụ thể, Điều 604 BLDS 2015 cũng quy định rõ về trường hợp bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Để xác định bên nào có lỗi trong trường hợp này trước tiên cần xác định lại vị trí đỗ xe có đúng theo quy định hay không. Trường hợp xe đỗ sai quy định, không đúng vị trí (lỗi hoàn toàn của bên bị thiệt hại) thì chủ xe ô tô sẽ không được bồi thường từ đơn vị quản lý, sở hữu cây xanh.
Trường hợp, xe dừng, đỗ đúng vị trí thì cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh xem trước đó đã thực hiện đầy đủ các biện pháp, chăm sóc, đảm bảo an toàn (cây bị thối rễ, sâu ăn, cành cây thối mục có thể rơi gãy...) hay chưa. Nếu đơn vị quản lý cây xanh không đảm bảo các điều kiện an toàn cho cây xanh đến môi trường xung quanh mà gây ra thiệt hại thì đơn vị quản lý cây xanh sẽ có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, BLDS cũng quy định trường hợp ngoại lệ đó là: Bên gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Điều 156 BLDS 2015 nêu rõ sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Vì vậy, trong trường hợp này cần xác định cây xanh lật gốc do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không? Để xác định được việc này cần làm rõ đơn vị quản lý cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục cần thiết hay chưa. Nếu đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng thiệt hại vẫn xảy ra thì có thể xem đây là trường hợp bất khả kháng. Khi đó, dù thiệt hại có xảy ra nhưng đơn vị quản lý cây xanh không phải bồi thường.
Cũng theo LS Quân trong các trường hợp cây xanh lật gốc do mưa bão chủ xe ô tô muốn yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh bồi thường thì cần phải chứng minh rất nhiều vấn đề như: Không rơi vào trường hợp bất khả kháng, lỗi hoàn toàn không phải từ mình...
Trong trường hợp không có đủ căn cứ để yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh bồi thường thiệt hại thì chủ xe vẫn có thể yêu cầu các công ty bảo hiểm chi trả bồi thường nếu như trước đó chủ xe có mua bảo hiểm vật chất xe.
Bảo hiểm vật chất xe ô tô là một loại bảo hiểm tự nguyện và hiện có nhiều Công ty bảo hiểm cung cấp gói bảo hiểm này. Khi chủ xe mua bảo hiểm này, nếu không rơi vào các trường hợp loại trừ trách nhiệm thì chủ xe sẽ được công ty bảo hiểm chi trả chi phí sửa chữa khi xảy ra thiệt hại đối với xe.