Tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 8 chiều 23/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: “Khi tới gần bờ, bão số 8 sẽ suy yếu nhanh bởi tác động của không khí lạnh và khô, thậm chí có thể suy yếu thành áp thấp. Với kịch bản này, bão số 8 sẽ gây mưa chủ yếu từ đêm 24 và ngày 25/10 từ Hà Tĩnh tới Quảng Nam, với tổng lượng mưa lên khoảng 200mm”.
Tuy nhiên theo ông Khiêm, nhiều khả năng ngay sau khi bão số 8 kết thúc, trên Biển Đông sẽ hình thành áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. “Nếu cơn áp thấp này trở thành bão số 9 đổ bộ vào nước ta thì đây sẽ là cơn bão thứ tư trong tháng 10. Như vậy tính cả vùng áp thấp trước đó thì miền Trung đã phải chịu 5 bão và áp thấp trong tháng này. Hiện tượng lịch sử này được ghi nhận từ 1983 và năm nay mới lặp lại”, ông Khiêm phân tích.
Đáng chú ý, các chuyên gia khí tượng đều cảnh báo khả năng cao bão số 9 sẽ đổ bộ vào nước ta trong khoảng ngày 29/10. Cụ thể, trước đó, đài khí tượng thủy văn Mỹ dự báo sáng 29/10, tâm bão số 9 có thể tác động vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Trước tình hình trên, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng nhấn mạnh: “Rốn lũ của cơn bão số 8 chưa dứt thì sẽ chịu ảnh hưởng mưa từ hoàn lưu bão số 9. Cơn bão này hình thành từ vùng biển ấm từ Trường Sa đi lên sẽ tích trữ năng lượng rất lớn. Dự báo mưa lớn diện rộng từ đồng bằng Bắc Bộ tới Bình Thuận sẽ kéo dài từ 28-31/10. Do đó, nếu chúng ta lo bão số 8 mà không lo ứng phó với bão số 9 ngay từ lúc này sẽ rất nguy hiểm”.
Theo bà Lan, trong tháng 11, có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với 2-3 cơn bão/áp thấp nữa. “Dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua miền Trung, giống như những hạt ngọc trai, hết hạt này tới hạt khác nối tiếp. Do đó thời gian qua, trung bình 7-10 ngày lại có 1 cơn bão/áp thấp đổ bộ”.