Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản góp ý lần 2 về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT.
Môn thứ 3 thi lớp 10 nên là ngoại ngữ
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 12, chương III về việc tổ chức thi lớp 10 THPT, quy định môn thứ 3 thi lớp 10 do Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học lựa chọn. Việc lựa chọn môn thứ 3 thi lớp 10 có sự thay đổi qua các năm và công bố trước 31-3.
Về nội dung này, Sở GD&ĐT TP.HCM góp ý chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình GDPT trước đây.
Chương trình đã thể hiện nhiều điểm mạnh, cải thiện so với trước đây, chú trọng hơn đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Ở bậc THCS, Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT quy định cần đảm bảo học sinh được tiếp cận các kiến thức, vấn đề cơ bản, hiểu được nguyên lý và xác định được định hướng của bản thân, làm căn cứ lựa chọn các môn phù hợp ở bậc THPT để được học và nghiên cứu chuyên sâu, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp ở bậc đại học theo đúng sở trường bản thân.
Do đó việc quyết định môn thứ 3 thi lớp 10 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh.
Căn cứ vào Chương trình GDPT 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, lịch sử, trong đó môn ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12.
Các môn học còn lại gồm nhóm khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), lịch sử, địa lý, công nghệ và tin học khi lên THPT học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt 3 năm học, do định hướng nghề nghiệp của các em.
Vì vậy, việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra "sốc" tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em.
Trên cơ sở đó, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, việc lựa chọn môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh do đặc điểm xuyên suốt trong Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, việc lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 91 về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Giao quyền chủ động cho các sở tổ chức thi lớp 10
Tại khoản 6, Điều 12, chương III về việc công bố điểm chuẩn đồng thời với công bố điểm thi, Sở GD&ĐT TP.HCM nêu cần cho phép mỗi địa phương được quyền quyết định thời điểm công bố điểm chuẩn dựa trên đặc điểm tuyển sinh của từng địa phương, bảo đảm quyền lợi thí sinh và phù hợp với lịch khai giảng của Bộ GD&ĐT.
Việc này giúp địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của khu vực; tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều loại hình cùng lúc, gây mất cân đối chỉ tiêu tuyển sinh.
Cạnh đó, việc này cũng tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp với số lượng học sinh thực tế; đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và tối ưu hoá việc phân bổ học sinh theo đúng nguyện vọng.
Sở GD&ĐT cho rằng việc ban hành một Quy chế tuyển sinh THCS và THPT thống nhất trên toàn quốc là cần thiết. Quy chế này sẽ là cơ sở để các sở GD&ĐT xây dựng quy định tuyển sinh phù hợp với địa phương mình.
Việc này còn giúp công tác tuyển sinh THCS và THPT ngày càng công khai, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của xã hội; đặc biệt trong năm học 2025-2026, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.
Do đó, Sở GD&ĐT đề nghị bộ sớm ban hành quy chế để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, các văn bản định hướng, chuẩn bị cơ sở vật chất tạo sự an tâm cho thí sinh.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề xuất Bộ GD&ĐT trao quyền chủ động cho các sở trong việc tổ chức kỳ thi, gồm: lựa chọn môn thứ 3 phù hợp với đặc thù và nhu cầu phát triển của địa phương; xây dựng quy chế tổ chức làm việc, coi thi, chấm thi và làm phách; chọn lựa nhân sự tham gia kỳ thi và quyết định thời gian công bố kết quả.
Việc phân cấp này giúp linh hoạt điều chỉnh công tác tổ chức thi lớp 10 theo mục tiêu phát triển của từng địa phương.