Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn làm nhiệm vụ đào thải mọi chất độc, điều chỉnh và giữ mức hằng định những chỉ số sinh hóa học của máu. Do vậy, khi thận suy gây giảm thiểu hay rối loạn mọi chức năng trên sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê do urê huyết cao và tử vong...
Đông y cũng coi thận là cơ quan làm chủ dương khí toàn thân, là động lực chính trong hoạt động sống của cơ thể, là gốc của sinh mệnh. Như vậy, cơ thể của con người có khỏe mạnh hay không đều có mối liên quan chặt chẽ tới chức năng sinh lý của thận. Vậy khi thận yếu là biểu hiện dương khí bất túc cần được bồi bổ bằng những món ăn - thuốc thích hợp để dưỡng thận, bảo kiện sức khỏe.
Sau đây là những món ăn - thuốc cụ thể nhằm dưỡng thận, phục hồi lại chức năng vốn có của nó.
Cho người bị suy thận
Khi bệnh đã cơ bản ổn định thì nên bồi bổ cho thận. Chọn các bài thuốc sau:
- Dùng vỏ đậu xanh hoặc hạt đậu xanh sắc lấy nước uống hằng ngày.
- Dùng mộc nhĩ đen và mộc nhĩ trắng mỗi loại 15 g, ngâm nở mềm. Nấu chung, cho ít đường vừa ngọt, ăn hết.
- Món lục nguyệt tuyết hầm gà xương đen: Lục nguyệt tuyết 60 g, gà xương đen 1 con, gia vị vừa đủ. Lục nguyệt tuyết rửa sạch, dùng vải màn bọc lại, luộc kỹ, sau cho gói này vào bụng gà, đổ nước luộc lục nguyệt tuyết vào luộc cùng. Khi gà nhừ, vớt bỏ gói lục nguyệt tuyết ra, ăn thịt gà, uống nước canh. Ăn một thời gian, tuần 1 - 2 lần.
- Cá diếc hồng trà: Hồng trà 15 g, cá diếc 1 con. Rửa sạch cá diếc, hồng trà cho vào bụng cá. Cho nước cùng gia vị hầm nhừ ăn cả cái lẫn nước. Cần ăn một thời gian.
- Cơm nếp câu kỷ tử: Câu kỷ tử 25 g, gạo nếp 500 g, can bối 2 cái, tôm to 10 con, thịt giăm bông
50 g. Cho câu kỷ tử ngâm nước đến mềm, ngâm gạo nếp 3 giờ. Sau đổ câu kỷ tử và gạo nếp ra, để ráo nước thì cho vào cùng sợi can bối, tôm, giăm bông, vào nồi, đổ nước và muối vừa đủ. Nổi lửa to đến sôi, cho ít bột gừng, rượu, xì dầu, mỗi loại 1 thìa canh, hạ lửa riu riu đun đến chín. Mỗi ngày ăn từ 1 - 2 lần thay cơm. Cần ăn liền một thời gian.
Cho người đau lưng do thận hư
Thận hư gây đau lưng ở tuổi già thường kéo dài lâu ngày, phần lớn là không thể khỏi nhanh được nên cần dùng các món ăn thuốc dưới đây để bồi bổ.
- Canh phụ tử, bao tử heo: Bao tử heo 1 cái, phụ tử chín 10 g. Rửa sạch bao tử heo, nhét phụ tử vào trong, dùng chỉ khâu lại, cho vào nồi đất hầm 2 giờ. Cho muối, gia vị, uống nước canh, ăn bao tử heo. Cần ăn tuần vài lần, trong một thời gian.
- Tang ký sinh, luộc trứng gà: Tang ký sinh (chùm gửi mọc trên cây dâu) 30 g, trứng gà 2 quả. Sắc tang ký sinh bỏ bã lấy nước và dùng nước này để luộc trứng gà. Sau uống nước canh, ăn trứng gà. Cần được ăn nhiều lần.
- Canh hạch đào, bầu dục (thận): Hạch đào nhân 50 g, đậu đen 50 g, bầu dục heo 1 đôi. Tất cả cho vào nồi nấu chín, cho ít muối vào ăn. Cần ăn một thời gian.
- Ba ba hầm đỗ trọng: Ba ba 1 con, đỗ trọng 15 g, cùng cho vào nồi để lửa nhỏ hầm trong 4 giờ liền. Sắp được thì cho hành, gừng, muối, đun sôi lại là được. Ăn tuần 1 - 2 lần. Cần ăn liền vài tuần.
- Đỗ trọng hầm bầu dục cừu: Bầu dục cừu 2 quả, đỗ trọng 15 g. Đỗ trọng rang chín tán bột, bầu dục bổ ra rửa sạch, cho bột đỗ trọng vào trong, ngoài bọc lớp vải thưa, cho vào nồi để lửa nhỏ hầm chín. Ăn bầu dục uống nước canh. Cần ăn một thời gian.
- Gân hươu nấu đậu phộng: Gân hươu 50 g, lạc nhân 150 g. Cho vào nồi đổ nước hầm 2 giờ, nêm dầu, muối, gia vị ăn hết. Tuần ăn 2 - 3 lần.
- Xuyên đoạn, đỗ trọng nấu đuôi heo: Xuyên đoạn 20 g, đỗ trọng 30 g, đuôi heo 1 - 2 cái. Cạo lông rửa sạch đuôi heo, cho cả vào nồi hầm lửa nhỏ 1 giờ. Cho muối, gia vị và ăn. Cần ăn một thời gian.
- Canh đỗ trọng, câu kỷ tử, chim cút: Đỗ trọng 15 g, chim cút 1 con, câu kỷ tử 30 g. Cả 3 thứ cho vào sắc lấy nước uống, ăn thịt chim cút.
- Món thịt chó, đỗ trọng: Thịt chó 500 g, đỗ trọng 10 g, gia vị vừa đủ. Thịt chó dùng rượu rửa sạch, thái miếng, ướp muối 15 phút. Đỗ trọng ngâm nước, cho thịt chó, gừng, hành vào hầm 1,5 - 2 giờ, nhặt bỏ đỗ trọng, ăn thịt, uống nước canh.
- Gan heo nấu đỗ trọng: Đỗ trọng 50 g, gan heo 200 g. Lấy muối rửa sạch gan heo, thái miếng, cho nước vào nấu canh với đỗ trọng, đến khi gan nhừ nêm gia vị ăn gan uống nước canh.
Đông y coi thận là cơ quan chủ dương, là gốc của sinh mệnh nên cần được bồi bổ để các chức năng thận hoạt động tốt.