Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đây là một trong những căn bệnh có tỉ lệ gây tử vong cao, mỗi năm các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người. Thường gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ, trong đó chứng thiếu máu cơ tim là bệnh tim mạch thường gặp ở người cao tuổi và những người cơ thể suy nhược.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đau thắt ngực là do nhu cầu về máu của cơ tim vượt quá lượng máu được cung cấp từ động mạch vành, thường do động mạch vành bị xơ vữa. Những mảng xơ vữa bám vào thành mạch vành làm lòng mạch bị hẹp lại, khiến lưu lượng máu trong mạch giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ tim…
Thiếu máu cơ tim là một bệnh phức tạp, muốn dùng thuốc nam để chữa trị, nên tìm đến phòng khám đông y có uy tín để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc một cách cụ thể.
Chứng trạng điển hình của bệnh là bỗng nhiên đau thắt ở ngực trái, ở vùng trước tim và sau xương ức; đau thường lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái; đau có thể xuyên ra sau lưng hoặc từ lưng xuyên ra vùng tim. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, nhất là những lúc phải gắng sức, khi bị nhiễm lạnh, ăn uống quá no say, tình cảm kích động mạnh. Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể xuất hiện bất chợt vào thời điểm bất kỳ trong ngày. Thông thường, cơn đau chỉ kéo dài 1-5 phút, nghỉ ngơi một lát hoặc uống thuốc là lại bình thường. Trường hợp bệnh nặng, có thể đau kịch liệt, cơn đau kéo dài, mặt trắng bệch, môi tím tái, vã mồ hôi lạnh, chân tay tê dại, thậm chí đột tử.
Dưới đây là một vài món ăn thuốc chữa thiếu máu cơ tim tiêu biểu:
- Cháo sơn tra: Có thể sử dụng chữa thiếu máu cơ tim, kèm theo kém ăn, đầy bụng, đại tiện lỏng nhão, người uể oải. Dùng sơn tra 30 g khô hoặc 60 g tươi, gạo tẻ 60 g, đường kính 10 g; nấu cháo ăn.
- Cháo hà thủ ô: Chữa thiếu máu cơ tim, kèm theo những biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, lòng bàn chân bàn tay và giữa ngực hâm hấp nóng, sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo bón. Dùng hà thủ ô chế 30-60 g, gạo tẻ 60 g, hồng táo 3-5 trái, đường đỏ lượng thích hợp; nấu cháo ăn.
- Cháo củ kiệu: Củ kiệu 20 g, gừng tươi 9 g, củ riềng 15 g, gạo tẻ 60 g; sắc các vị thuốc lấy nước, sau cho gạo vào nấu thành cháo ăn.
- Cháo lươn: Làm sạch lươn trước khi chế biến (rửa một lần duy nhất nên rửa kỹ). Mổ bụng lươn bỏ ruột, lúc này máu lươn chảy ra không được rửa nữa mà chỉ dùng vải sạch lau cho khô máu, lau đến khi máu hết chảy. Dùng nồi gang trải đều 80 g rau má dưới đáy, quấn tròn con lươn đặt vào nồi rồi trải 70 g rau má còn lại phủ đều lên mình lươn. Đổ nước dừa vào nồi lươn (2 hoặc 3 trái, dùng nước dừa già). Nấu cho đến khi nước dừa trong nồi cạn còn một chén là được. Ăn lươn và uống hết chén nước đó. Nếu không ăn hết lươn một lần thì có thể chia ra 2 lần, ăn trong vài giờ vì không nêm nếm nên lươn hơi lạt khó ăn. Cách vài ngày nấu ăn một lần. Ăn đủ 5 lần là bệnh tim sẽ thuyên giảm.