Cô cảm thấy mệt mỏi với cuộc hôn nhân của mình khi chồng nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Với anh, vợ đã được "bán" cho nhà chồng thì sẽ không được quan tâm đến nhà ngoại, nhất nhất mọi thứ phải lo cho nhà chồng. Anh được sinh ra trong gia đình mà mọi người thường xuyên chửi bậy, ăn nói trống không với nhau. Thế nên, khi đi ra ngoài, anh vẫn giữ thói quen ăn nói không lịch sự. Gặp người lớn, anh không chào, không xưng hô có chủ ngữ, vị ngữ. Điều mà cô cảm thấy không thích hợp nhất với anh là tư tưởng gia trưởng.
Quan điểm của anh là đã đi lấy chồng là "bán" về cho nhà chồng. Thế nên, tiền vợ làm bao nhiêu cũng phải cung phụng về nhà chồng hết. Không có chuyện người phụ nữ đã đi lấy chồng còn cho tiền nhà ngoại. Vì thế, anh quy định, về nhà ngoại chỉ biếu ít bánh trái là đã có hiếu lắm rồi. Nếu anh phát hiện cô biếu tiền bố mẹ, anh sẽ không để yên. Với anh, chỉ có nhà nội là nhất, là quan trọng. Ngày lễ, ngày Tết là hai vợ chồng phải về quê nhà chồng trước. Hết việc nhà chồng thì mới được về nhà ngoại chơi một lát. Anh không bao giờ ở qua đêm tại nhà ngoại và cũng không cho phép vợ ngủ lại đó. Cô không chấp nhận được chuyện vô lý này nên nhiều lần cô và chồng xảy ra xô xát.
Mọi thứ anh đều vun vén hết cho nhà nội. Bố mẹ sửa nhà cửa, anh rút hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để gửi về mà không hỏi ý kiến vợ, không cần biết khoản tiền đó đã được cô dự định vào việc quan trọng khác của gia đình. Bố mẹ chỉ cần nói muốn mua thứ này, thứ kia, anh lập tức gửi ngay tiền về mà không cần biết việc mua thứ đó có quan trọng, cần thiết hay không. Vợ chồng cô chưa có nhà riêng. Cô muốn tích cóp chút tiền để mua một căn chung cư nhỏ. Áp lực mua nhà khiến cô vô cùng mệt mỏi.
Cô không được phép làm trái ý anh. Bởi chỉ cần cô tỏ thái độ, anh dằn hắt, chửi bới cô, rằng cô là người con bất hiếu, là con dâu không ra gì. Mơ ước có một ngôi nhà riêng để an cư lạc nghiệp của cô không biết bao giờ mới thực hiện được?