Trước đây, Lam chẳng bao giờ nghĩ cô lại rơi vào hoàn cảnh éo le thế này. Lam là con một nên sau khi kết hôn, vợ chồng cô về ở chung với bố mẹ đẻ. Thế nhưng từ ngày về ở chung nhà, giữa mẹ Lam và chồng cô luôn có xung đột. Là người đứng giữa nên Lam rất khổ tâm.
Nguyên nhân đến từ việc mẹ đẻ của Lam cho rằng con rể tiêu hoang phí và luôn có thành kiến với anh. Ngược lại, chồng Lam thì kêu ca với vợ, mẹ vợ khó tính, quá tiết kiệm và sống ích kỷ không biết thương con cháu.
Không phải bênh vực ai nhưng Lam cũng thấy mẹ đẻ sống quá tiết kiệm và thờ ơ với con cháu, không vun vén cho các con. Vợ chồng Lam có con gái nhỏ mới chỉ 2 tuổi. Nhưng bà ngoại không hề chăm sóc cháu từ bé đến lớn. Con được 10 tháng, Lam đã phải gửi con đi nhà trẻ tư. Một phần vì bà bị đau lưng không trông cháu được. Phần khác vì bà ngoại có quan điểm, vợ chồng Lam đẻ con ra thì phải có nghĩa vụ chăm sóc con mình. Nhưng vợ chồng Lam muốn nhờ cậy mẹ trông cháu, vì thế mâu thuẫn ở gia đình này ngày càng lớn.
Rất nhiều lần, Lam đã đứng ra giải thích, góp ý để cả 2 bên thông cảm và hiểu nhau hơn. Song dường như chuyện này quá khó. Mẹ đẻ và chồng Lam đều có tính tự ái cao, lại hơi gia trưởng.
Cho tới một ngày, chồng Lam vừa đi công trình về thì đã bị mẹ vợ chửi bới. Anh đi đón con về và nhờ mẹ vợ trông giúp 1 lát để đi tắm. Không may con trèo cửa sổ bị ngã bầm tím trán. Xót con, chồng Lam cằn nhằn mẹ trông cháu không cẩn thận. Mẹ Lam bực tức chửi bới lại chàng rể rồi vứt hết quần áo của anh. Hôm ấy, không đợi được vợ đi làm về, chồng Lam đã bế con ra khỏi nhà ngoại ngay lập tức.
Hiện chồng Lam và con đang thuê trọ ở một nhà gần đó để ở. Anh quá chán nản không muốn nhắc lại chuyện mâu thuẫn với mẹ vợ. Anh còn bắt Lam cũng phải ra ở riêng vì anh không muốn về ở nhà vợ nữa. Còn mẹ đẻ Lam suốt ngày cằn nhằn chì chiết con rể bất hiếu, đàn bà. Là người ở giữa, Lam buồn mà chẳng biết phải làm sao?
Giống như Lam, người vợ trẻ tên Hương đang rất bức xúc với hoàn cảnh gia đình mình. Mẹ đẻ Hương cũng không ưa gì con rể. Thế nên mỗi lần Hương về quê, bà đều mang chuyện của anh ra nói xấu. Trong khi đó, bố đẻ Hương lại rất quý mến anh.
Thực tế, chồng Hương là người rất yêu vợ, thương con. Anh chỉ có nhược điểm duy nhất là kiếm hơi ít tiền. Trong khi đó, trước đây Hương được rất nhiều người giàu có theo đuổi. Vì thế mẹ đẻ Hương suốt ngày mang chuyện này ra kể lể làm cô rất bực mình.
Mọi thứ trong nhà ngoại đều là do vợ chồng Hương mua sắm từ A-Z. Vậy nhưng mẹ đẻ cô vẫn không hài lòng. Nhiều khi bà nói những câu như tát nước vào mặt con rể. Dù không nói ra nhưng Hương biết chồng cô rất buồn. Hương lo sợ, mẹ đẻ cứ giữ thái độ như thế đến 1 lúc nào đấy chồng cô tự ái thì ông bà có mời anh cũng chẳng chịu về. Như vậy, người thiệt thòi là bố mẹ Hương.
Có lần, Hương mạnh dạn góp ý cho mẹ đẻ để bà thay đổi. Sau lần ấy, bà càng tự ái hơn. Trước mặt con rể, bà chỉ thẳng mặt Hương và bảo con gái bênh chồng. Thậm chí bà còn cho rằng, về quê mà thấy khó chịu thì vợ chồng Hương đừng về khiến cô bức xúc.
Làm thế nào để mẹ vợ và con rể hòa hợp?
Nếu như làm dâu, nhiều phụ nữ e ngại nhất là mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt cùng mẹ chồng, thì với đàn ông, họ cũng lo lắng nhất chuyện mẹ vợ và con rể không hợp nhau. Bởi mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể có thể gây nên những chuyện căng thẳng trong gia đình.
Trong mối quan hệ này, cô vợ đứng giữa mẹ đẻ và chồng sẽ là người cảm thấy vô cùng khó xử. Bởi một bên là đạo hiếu, một bên là nghĩa phu thê, bên nào cũng nặng tình nghĩa. Do đó, nếu cư xử không khéo, có thể khiến gia đình tan nát chỉ vì mâu thuẫn giữa con rể và mẹ vợ.
Khi rơi vào trường hợp trên, các chị em cần phải tỉnh táo. Tuyệt đối không được đổ thêm dầu vào lửa mà làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa mẹ đẻ và chồng. Hãy làm cầu nối giữa 2 người để mẹ đẻ và chồng có thể hiểu và thông cảm với nhau. Không nhất bên trọng nhất bên khinh, ngả về 1 bên nào đó mà làm tổn thương người còn lại.
Mẹ đẻ và chồng có nhiều khác biệt đến đâu thì cả hai người ấy đều có một mối quan tâm chung nhất. Đó chính là hạnh phúc của chính bạn và gia đình bạn. Vì thế, người vợ luôn phải khéo léo lạt mềm buộc chặt, hãy bình tĩnh, bao dung, tử tế giúp cho mẹ và chồng hiểu ra sự việc, từ đó gia đình có thể gắn kết vượt qua mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, người vợ hãy động viên chồng kiên trì. Bởi vì bố mẹ nào cũng mong muốn con cái hạnh phúc. Nếu thấy con rể có thể đem lại hạnh phúc cho gia đình thì không bố mẹ nào ngăn cản. Nếu cần thiết, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ, tác động tích cực từ phía những người trong gia đình thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Cuối cùng, nếu mâu thuẫn mẹ vợ và con rể không thể giải quyết và thường xuyên diễn ra, vợ chồng trẻ có thể tính đến chuyện sống riêng. Tuy nhiên hãy thuê nhà ở gần với mẹ vợ để có thể vẫn thường xuyên qua lại chăm sóc cho bố mẹ.