Hãy để con bạn nếm trải những “hậu quả tự nhiên” từ hành vi của chúng
Bậc làm cha mẹ không ai không mong muốn con mình phải chịu bất cứ tổn thương hay xâm phạm nào từ người khác hay sự việc bên ngoài. Nhưng sự bao bọc thái quá của bạn lại vô tình tước mất cơ hội của con được “cọ xát” với thất bại và hậu quả.
Các chuyên gia tâm lý trên Sohu khuyến khích bố mẹ đừng ngại để trẻ tự nếm trải những hậu quả theo lẽ tự nhiên từ hành vi của chúng.
Một mặt, nó khiến trẻ trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau ở mọi cung bậc, dần dần giúp trẻ nhận thức được đúng sai một cách trực tiếp nhất. Mặt khác, trẻ sẽ trở nên nhanh nhạy và chủ động xử lý tình huống hơn khi đã có nhiều “kinh nghiệm” không theo ý mình.
Chẳng hạn khi trẻ một mực đòi cầm ly nước nóng trên tay mẹ, bạn cứ đặt ly xuống bàn và cho trẻ thử chạm nhẹ vào. Cảm giác nóng có thể khiến trẻ khó chịu nhất thời nhưng cũng từ đó, trẻ học được cách cẩn thận hơn trước khi muốn làm gì đó và cũng biết hành động vòi vĩnh thái quá là không hề tốt.
Khi trẻ có thói quen nói leo, đừng trả lời trẻ ngay sau đó
Trẻ con thường rất hay ngắt lời khi người lớn nói chuyện vì trẻ hy vọng từ hành vi này sẽ được chú ý hơn và có cả cảm giác thỏa mãn cái tôi đang dần lớn lên của mình. Tuy nhiên, bạn không nên vì chiều theo hoặc cho rằng trẻ như vậy là biểu hiện của sự linh hoạt, thông minh mà để trẻ tiếp tục thói quen này.
Mỗi lần trẻ nói leo, người lớn hãy tạm dừng câu chuyện và nghiêm túc nói với trẻ rằng hành động vừa rồi của trẻ là không ngoan và bạn cũng sẽ không đáp ứng lại những câu nói ngắt lời ấy.
Mặt khác, khi trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến, hãy để trẻ nói hết lời để thể hiện bạn rất tôn trọng cảm giác và suy nghĩ của trẻ. Sau đó, nhắc nhở rằng trẻ cũng nên như vậy khi lắng nghe người khác nói chuyện.
Cách dạy con vừa nghiêm túc nhưng cũng không quá khắt khe này sẽ giúp trẻ cải thiện được tật xấu khi mới hình thành. Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ biết cách giao tiếp, biết phép lịch sự và tôn trọng người khác.
Đừng ngại cho trẻ được phép tự chọn bạn bè
Nói thế không hẳn là bạn phó mặc để trẻ tiếp xúc thoải mái với mọi đối tượng, nhưng một vài trải nghiệm có thể là “không vui vẻ” khi trẻ tự lựa chọn bạn sẽ trở thành kinh nghiệm sống quý giá về cách nhìn người và kết giao các mối quan hệ sau này.
Chẳng hạn trẻ vẫn luôn thích chơi với một cậu bạn hàng xóm, nhưng cậu bé này rất thô bạo và luôn làm hỏng đồ chơi của trẻ. Bố mẹ khoan vì thế mà vội trách mắng và cấm đoán trẻ không được chơi với bạn nữa. Bạn có thể để trẻ phải tự dọn dẹp “chiến trường” sau khi cậu bạn kia chơi xong và ra về, đồng thời bạn sẽ không mua lại đồ chơi mới nữa.
Vài lần dạy con cách tư duy như thế, trẻ sẽ hiểu khi tự chọn bạn bè cũng đồng nghĩa trẻ phải chịu trách nhiệm về người bạn đó. Và những lần “gánh lấy hậu quả” từ người bạn kia sẽ khiến trẻ chủ động hạn chế tiếp xúc với những bạn không phù hợp.
Đừng mãi đi theo sau trẻ để dọn dẹp
Làm việc nhà không nhất thiết phải đợi trẻ lớn lên, ngay khi trẻ đã có thể hoạt động cơ thể thoải mái, bố mẹ nên để trẻ biết tự giác làm những việc thuộc nhiệm vụ của mình. Đơn giản nhất chính là sắp xếp phòng ốc của trẻ gọn gàng, ngăn nắp.
Bố mẹ không nên vừa thấy trẻ vứt đồ đạc lung tung liền nhanh tay dọn lấy, hành động này khiến trẻ ngày càng ỷ lại, lười biếng và dễ trở thành người thiếu ý thức, vô trách nhiệm khi lớn lên.
Hãy cho trẻ chơi vài trò mạo hiểm trong sự kiểm soát của bạn
Ngay khi trẻ sơ sinh tập đi, bố mẹ cũng đừng lo lắng thái quá mà kè kè dìu dắt, sợ trẻ té ngã. Kỳ thực, vài lần té đau là trải nghiệm có giá trị đối với trẻ. Trẻ sẽ dần biết được giới hạn của mình ở đâu, tăng thêm sự tự tin và rèn được ý chí mạnh mẽ.
Tương tự, trong phạm vi cho phép và dưới sự giám sát an toàn của bạn, hãy để trẻ đi xe đạp, chơi trượt ván, nhảy dây v.v… Hãy cứ để trẻ “được” xây xát để cứng cỏi hơn.