Tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), bệnh nhi Nguyễn Tuấn Anh (9 tuổi, trú tại Quảng Thành, Hà Cối, Quảng Ninh) vừa trải qua ca phẫu thuật để mở phần miệng. Hiện phần miệng của bé vẫn bị khuyết môi và nhiều sẹo co dính.
Mẹ của Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Thúy (29 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tai nạn xảy ra với con chị hồi tháng giêng. Gia đình chị có 3 người con. Tuấn Anh là con thứ hai. Bé cùng chị được cha mẹ gửi ở nhà ông bà ngoại từ bé để họ đi làm ăn xa.
"Hôm đó, Tuấn Anh sang nhà hàng xóm chơi, con nhặt được một mảnh pháo đã đốt xịt, là loại chế bằng giấy học sinh. Đốt không cháy nên hai anh em thay phiên nhau thổi, bỗng pháo nổ. Một tiếng nổ rất to. Ông bà chạy ra, thấy con nằm bất động ở góc tường", chị Thúy kể về thời điểm được mẹ báo tin xấu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho hay bé Tuấn Anh nhập viện trong tình trạng sẹo xơ dính toàn bộ miệng, mất toàn bộ môi trên và môi dưới, không co kéo cũng như không há được miệng đồng thời lộ nẹp gây viêm xương hàm dưới.
Điều khiến nữ bác sĩ ái ngại và lo lắng là từ lúc bị tai nạn đến nay, bé ăn hoàn toàn bằng đường xông dạ dày. Đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến bé vì trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.
Tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng khá nặng, bác sĩ Nhung xác định bé phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để cải thiện khuôn mặt. Trong đó, việc đầu tiên bác sĩ Nhung cùng ê-kíp phải làm là giúp bệnh nhân thoát ăn ống xông. Việc tiếp theo là tháo nẹp và nạo tổ chức viêm vì nó sẽ gây viêm, hoại tử hàm dưới.
Không những khó khăn trong phương pháp phẫu thuật, gây mê cho bé trong trường hợp này cũng rất nan giải.
"Sau khi xem tình trạng và nhận định sẽ điều trị. Chúng tôi đã xin hội chẩn các chuyên gia và toàn bệnh viện để đưa ra phương án. Vì là trẻ nhỏ, chúng tôi rất cẩn thận. Nếu bác sĩ có sơ sót, bệnh nhi sẽ rất vất vả”, bác sĩ Nhung chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, cho biết: "Gây mê cho trẻ con thông thường vốn đã khó khăn hơn với người lớn vì cơ thể chưa hoàn thiện, từ kỹ thuật đặt ống đến việc sử dụng thuốc cũng cần cân nhắc rất cẩn thận. Trong trường hợp này, cháu bé không mở được miệng. Vì vậy, kỹ thuật đặt ống nội khí quản càng khó khăn hơn. Chúng tôi buộc phải tiến hành gây mê nội soi qua đường mũi".
Bé có sẹo mở khí quản từ trước nên đường vào đặt được ống nội khí quản bị biến dạng. Quá trình gây mê trở thành một thách thức.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ xác định không chỉ bên ngoài mà toàn bộ vùng trong niêm mạc má của bé đều bị sẹo xơ cứng hết. Ca mổ kéo dài từ 8h30 đến 12h30 ngày 29/6.
Sau ca phẫu thuật, những câu nói đầu tiên của Tuấn Anh khiến mẹ và cả bác sĩ phẫu thuật xúc động trào nước mắt vì đã rất lâu rồi mới nghe được tiếng con nói. Ngày tiếp theo đó, bé có thể ăn qua đường miệng sau hơn 6 tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên. Bác sĩ Nhung cho hay các bước tiếp theo sau mới là khó khăn nhất đối với cả bệnh nhi lẫn các bác sĩ vì trẻ mất toàn bộ tổ chức môi trên môi dưới.
"Dự kiến, để phẫu thuật được, bé phải làm ít nhất 2 vạt vi phẫu trên và dưới để che những phần đang còn hở trên khuôn mặt. Trên người lớn, vạt đã nặng nề. Trẻ con rủi ro nhiều do mạch máu nhỏ, tốn kém. Việc chăm sóc sau phẫu thuật cũng rất căng thẳng. Vì bé còn nhỏ, chúng tôi cân nhắc chỉ làm từng vạt", bác sĩ Nhung cho hay.
Bác sĩ cũng cho hay chặng đường phía trước của Tuấn Anh còn dài. Bé cần được theo dõi và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật phức tạp và tốn kém.
Vợ chồng chị Thúy vốn làm công nhân. Song từ khi bé Tuấn Anh gặp tai nạn, anh chị phải gác hết công việc để chạy chữa cho con, thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Không có thu nhập, anh chị còn mang thêm số nợ lớn. Không chỉ Tuấn Anh, anh chị còn 2 con nhỏ nên gánh nặng càng thêm nặng nề.
"Cũng chỉ vì kế sinh nhai, chúng tôi phải đi làm xa, không trông nom con được cẩn thận. Tôi rất ân hận vì sự việc xảy ra với con. Nhìn con đau đớn, khóc hoảng loạn trong đêm, tôi thực sự suy sụp, thương con vô ngần. Tôi chỉ mong tương lai, con đủ mạnh mẽ để vượt qua tiếp các cuộc phẫu thuật trước mắt", chị Thúy nói trong nước mắt.
Dù phía trước, con trai chị được các bác sĩ cứu giúp, trong lòng, chị vẫn đang đau đáu việc kiếm được tiền để lo cho con.