Gia đình đã báo tình trạng bệnh của nghi can khi xin việc
Theo lời mẹ nghi can, khi Giang xin vào làm bảo vệ dân phố, gia đình đã trình bày rõ việc nghi phạm có tiền sử mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Một người hàng xóm của gia đình nghi can cho hay: “Giang là con cả trong gia đình có ba anh chị em, em gái sau đã đi làm, em trai đang đi học. Nhà thuộc diện khó khăn, ông này (Giang) ‘hiền queo’ à”.
“Bình thường nó hiền lắm, nó còn quý thằng bé mà, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào nó lại làm vậy” - mẹ Giang tâm sự.
Kể lại ngày nộp đơn xin cho con làm bảo vệ dân phố, mẹ Giang chia sẻ: “Giấy tờ chúng tôi nộp hết lên công an rồi, còn lại số ít đây thôi. Nó lên Lê Minh Xuân, Chợ Quán (bệnh viện tâm thần) chữa bệnh rồi. Chữa về thấy nó bình thường, nó kêu cho nó lên phường xin việc. Lên phường mình cũng nói tình trạng nó vậy, trên phường thấy nó hiền lành nên nhận”.
Phường không biết nghi can bị tâm thần
Trong khi đó, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, đại diện UBND phường 5, quận 11 (TP.HCM) cho biết về thông tin đối tượng Hoàng Nhất Giang mắc chứng tâm thần phân liệt, đơn vị đã yêu cầu công an, trạm y tế báo cáo. Theo đó, báo cáo từ Trạm y tế phường 5 cho thấy trong danh sách quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt và bệnh nhân động kinh cơn lớn năm 2017 không có tên Hoàng Nhất Giang.
Bên cạnh đó, đại diện phường 5 cho hay, đối tượng Giang làm bảo vệ dân phố được khoảng 2 năm 4 tháng. Đồng thời, trong suốt thời gian công tác, nghi phạm không có dấu hiệu hay biểu hiện tâm thần, rất ngoan, hiền và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đại diện UBND phường 5 cho biết: “Phường cũng chưa phát hiện Giang có triệu chứng tâm thần mà đang chờ Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú xác nhận”.
Rủi ro khi giao việc áp lực cho người có tiền sử tâm thần
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc bảo vệ dân phố có tiền sử mắc tâm thần phân liệt, bác sĩ La Đức Cương – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: “Về cơ bản, có thể giao việc cho người có tiền sử tâm thần để họ có thu nhập, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, không nên giao cho họ những việc có giao tiếp, tiếp xúc với nhiều người, những công việc đảm bảo trật tự, an toàn hay va chạm với người khác. Khi đó, nếu họ không uống thuốc định kỳ có thể dễ bị kích thích, tâm thần không ổn định”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Cương khẳng định, giao việc nhiều áp lực, việc phải tiếp xúc với nhiều người cho người có tiền sử bệnh tâm thần là rất nguy hiểm.
Trước đó, chiều 26/11, cháu K. (6 tuổi) đi bộ từ nhà sang tiệm tạp hóa trên đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú (TP.HCM) mua bánh. Lúc này, Giang đang ngồi trong chốt bảo vệ dân phố phường 5, quận 11 đi theo sau rồi dùng dao xếp có gắn lưỡi lam cắt vào vùng cổ khiến cháu K. gục trên đường và sau đó tử vong.
Chiều 27/11, Công an quận Tân Phú nhanh chóng bắt giữ đối tượng Hoàng Nhất Giang để điều tra về hành vi giết người.
Tại cơ quan công an, đối tượng Giang khai rằng, khi đang ngồi trong chốt bảo vệ thì trong đầu cứ nghe thấy tiếng bé K. chửi mình nên mới cầm dao đi theo sau và ra tay sát hại nạn nhân.
Cơ quan chức năng đang tổ chức giám định tâm thần đối với Hoàng Nhất Giang để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án.