"Tiết kiệm cho tương lai" hay "ta chỉ sống một lần trong đời" là những quan điểm đang nhận được nhiều sự quan trong thời gian gần đây. Mỗi người đều có cái lý riêng của mình cho sự lựa chọn. Dẫu là ủng hộ quan điểm nào đi chăng nữa thì quan trọng là chúng ta cần biết cân bằng cuộc sống. "Ta chỉ sống một lần trong đời” không có nghĩa là trái ngược hoàn toàn với "tiết kiệm cho tương lai". Chi tiêu hợp lý sẽ giúp chúng ta có những trải nghiệm tốt đẹp trong đời mà vẫn có khoản tiết kiệm, dự phòng nhất định.
Đối với các chị em, những người thường nắm vai trò tay hòm chìa khóa trong gia đình, chuyện chi tiêu thế nào lại càng được quan tâm. Dạo một vòng quanh các mạng xã hội sẽ thấy các chị em hào hứng chia sẻ về chuyện chi tiêu của gia đình mình, những mong có được lời khuyên, tư vấn để chi tiêu hợp lý hơn.
Chi bao nhiêu cho tiền ăn, cho con học trường nào... nên là lựa chọn phù hợp với khả năng của gia đình. Phải là người chi từng khoản từ nhỏ đến to của nhà mới thấu được nỗi khổ của người tay hòm chìa khóa mà không phải ai cũng thông cảm cho.
Những dòng chia sẻ đang nhận được sự quan tâm dưới đây là của chị Bùi Hồng Ngát (28 tuổi, nhân viên hành chính). Chị Ngát kể, do thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức trung bình nên chị luôn cố gắng tiết kiệm nhưng ai có gia đình rồi sẽ hiểu các khoản chi tốn kém thế nào. Mỗi tháng sau khi lấy lương, chồng chị sẽ đưa vợ 5 triệu và mọi việc còn lại là một tay chị quán xuyến.
Ảnh minh họa.
"Ở đây có mẹ nào nhà 3 người mà tiền sinh hoạt 1 tháng dưới 10 triệu không?
Biết là mẹ chồng nàng dâu sẽ chẳng thể tránh khỏi mâu thuẫn nhưng những lời của mẹ chồng hôm qua làm em ấm ức, tủi thân quá.
Chuyện là hôm qua bà nói chuyện dự định xây nhà ở quê rồi hỏi vợ chồng em có bao nhiêu tiền tiết kiệm. Em thì thật thà và cũng nghĩ chẳng có gì cần giấu nên có bao nhiêu thì nói bấy nhiêu thôi. Vậy mà mẹ chồng em tỏ rõ thái độ rồi còn bảo sao cưới nhau bao nhiêu năm mà chỉ có từng đấy, rồi thì ăn hết cả lương chồng.
Nào mẹ chồng em có biết 1 tháng các khoản chi tiêu tốn thế nào. Tuy bọn em ở cùng bố mẹ, không tốn tiền thuê nhà nhưng không có nghĩa là chi tiêu "không mất đồng nào". Em nhận trả tiền điện, nước, mạng cho cả nhà, tiền ăn thì do ăn riêng nên không nói. Các khoản còn lại thì tằn tiện nhất, chưa tính phát sinh cũng đã phải hơn 10 triệu. Nhà ai có con trong tầm 2-3 tuổi sẽ hiểu bạn nào mà hay ốm như con em thì số tiền 500 nghìn ghi trong bảng chi kia chỉ là tháng ít thôi. Giờ vào phòng khám soi cái mũi thôi cũng mấy trăm rồi chưa nói tiền thuốc."
Bảng chi tiêu một tháng của gia đình chị Ngát.
Chia sẻ thêm, chị Ngát cho biết thu nhập của mình là 9,5 triệu, cộng thêm 5 triệu chồng đưa thì tháng kỷ lục nhất là tiết kiệm được 3 triệu còn tình trạng tháng nào hết tháng này khá thường xuyên. Bố mẹ chồng chị luôn nghĩ con mình lương cao và đưa hết cho vợ nên cho rằng con dâu vụng dại trong chuyện chi tiêu.
Nỗi niềm này có lẽ không phải của riêng chị Ngát, bằng chứng là bài đăng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chị em. Người được lời như cởi tấm lòng, bày tỏ nỗi niềm bấy lâu không biết sẻ chia cùng ai, người không khỏi bức xúc thay, đưa ra lời khuyên giúp bà mẹ trẻ có được phương án giải quyết.
"Các cụ lạ ghê cơ! Giờ cầm 200 nghìn đi chợ xem có mua được cái gì ra hồn không. Nhà em cũng 3 người, tiết kiệm lắm thì cũng là 13 triệu."
"Ôi trời! Em nghĩ chị nên nói thật cho mẹ chồng biết rằng con dâu mẹ chỉ cầm 5 triệu của con trai mẹ đưa thôi. Nếu không đọc, em lại tưởng chồng chị đưa cho vợ vài chục triệu mà vợ tiêu hoang hết cơ".
"Đã có gia đình rồi là xác định chi tiêu tốn kém, đâu như thời còn son rỗi với bố mẹ được. Chị không muốn nói đến chuyện chi tiêu vì con số là phù thuộc vào điều kiện của mỗi nhà. Nhưng chị có lời khuyên em nên nói chuyện với chồng rõ ràng hơn về chuyện chi tiêu. Thứ nhất, nếu chồng em có lương cao thì nên đưa vợ nhiều hơn để lo toan việc trong nhà. Hiện tại số tiền em nhận từ chồng còn chưa lo đủ một nửa tiền chi phí hàng tháng.
Thêm vào đó, em nên ghi chép chi tiêu hàng ngày để cho chồng thấy rõ các khoản chi cũng như thấy trách nhiệm hơn trong việc chi tiêu chung. Nhiều cụ hay có suy nghĩ là con dâu thì sẽ được nắm "quyền sinh quyền sát" với tiền trong nhà, không tiết kiệm được là lỗi con dâu cả mà đâu biết thực sự chuyện chi tiêu trong nhà thế nào."
"Có sao nói thế thôi bạn ơi! Mẹ chồng nói thế thì đưa bà cuốn sổ này ra để bà biết "ăn hết lương chồng" là ăn được bao nhiêu. Nhiều người chắc tưởng làm vợ là sướng lắm".
Đối với các cặp vợ chồng trẻ, ghi chép chi tiêu thường xuyên là thói quen nên được hình thành từ trước. Bên cạnh đó, vợ chồng cần có sự thống nhất trong chuyện tài chính, quyết định ai là người nắm giữ, quản lý hay lo những khoản nào. Đôi bên cũng cần chia sẻ thật với nhau về thu nhập của mình để có sự rõ ràng trong các khoản đóng góp. Nếu phát sinh vấn đề, đôi bên nên chia sẻ để đối phương hiểu hơn và cùng có cách giải quyết. Sự thống nhất sẽ giúp vợ chồng thoải mái hơn, tin tưởng lẫn nhau và không để tiền bạc chi phối hạnh phúc gia đình.