Ngày nay, cùng với sự phát triển của internet, rất nhiều người chọn cách chia sẻ lên mạng xã hội để tìm được lời khuyên hữu ích. Họ tin rằng sự kết hợp giữa những kiến thức đọc được và các kinh nghiệm thực tế sẽ cho ra câu trả lời tốt và phù hợp nhất cho bản thân mình.
Vợ chồng chị Thanh Ngân (24 tuổi, Hưng Yên) trong những dòng tâm sự dưới đây kết hôn được gần 2 năm. Do công việc cũng như nhiều lý do riêng, vợ chồng chị quyết định sẽ kế hoạch một thời gian. Sau gần 2 năm làm vợ chồng son, anh chị quyết định "thả" tìm con thì mới giật mình trước một sự thật: Cả hai không có một đồng tiết kiệm nào!
"Có ai sinh con mà không có đồng tiết kiệm nào không ạ?
Vợ chồng em lấy nhau năm 2018. Vì nhiều lý do nọ kia nên bọn em kế hoạch từ đó đến nay.
Cuộc sống của vợ chồng song mọi người chắc cũng biết, rất thoải mái. Bọn em không ở cùng bố mẹ chồng nên gần như thời đang yêu, cuộc sống không gò bó, thỉnh thoảng lại đi du lịch, tuần vài lần ăn hàng cho đỡ nhọc công.
Chồng em làm kiến trúc sư, em thì làm nhân viên hành chính thôi. Mỗi tháng anh ấy đưa em 15 triệu để chi tiêu sinh hoạt, còn lại anh ấy cầm để chi tiêu riêng. Do đã có nhà của bố mẹ chồng sang tên sổ đỏ cho luôn nên bọn em không có nhiều áp lực về tiền bạc. Có lẽ chính sự chủ quan đó khiến bọn em chẳng hề nhận ra gần 2 năm nay vợ chồng chẳng có lấy một đồng tiết kiệm.
Cách đây mấy tháng, khi em tâm sự với chị đồng nghiệp về kế hoạch sinh con thì chị ấy hỏi hai vợ chồng để được bao nhiêu tiền rồi. Em đã giật mình luôn vì thực sự cả hai chưa nghĩ đến chuyện phải chuẩn bị một khoản trước khi sinh con hay luôn có khoản dự phòng gì cả.
Thế rồi em về ghi thử chi tiêu trong 2 tháng thì phát hiện, không tiêu gì hoang cũng "bay" mất 21 triệu/tháng, đấy là tháng không đi du lịch. Giờ định có con, em mới thấy lo lắng quá. Mọi người thấy em tiêu có vấn đề gì không?"
Bảng chi tiêu của cặp vợ chồng son.
Đi kèm với những dòng tâm sự là bảng chi tiêu được Thanh Ngân ghi lại một cách khái quát bao gồm:
Tiền điện thoại: 700 nghìn (chủ yếu tốn tiền 3G).
Tiền xăng xe: 500 nghìn (vợ 200 nghìn; chồng 300 nghìn).
Tiền điện, nước: 1,1 triệu.
Tiền ga, gia vị...: 200 nghìn
Tiền mỹ phẩm: 2 triệu
Tiền quần áo: 2 triệu
Tiền ăn: 8,5 triệu
Tiền biếu bố mẹ hai bên: 4 triệu.
Tiền phát sinh: 2 triệu.
Tổng cộng: 21 triệu.
Gặp vấn đề trong việc quản lý chi tiêu là điều rất phổ biến, đặc biệt với người trẻ. Tuy nhiên nếu để tình trạng kéo dài thì vấn đề gặp phải sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những dòng tâm sự của cô vợ trẻ sau khi chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý.
"Đúng là vợ chồng trẻ, nhìn vào bảng chi tiêu là thấy ngay. Trước vợ chồng chị khi chưa có con cũng chi tiêu kiểu không biết ngày mai như thế, tối đến là đi ăn hàng cho đỡ phải nấu cơm. Chị nghĩ đầu tiên em phải xem lại phần tiền ăn của hai vợ chồng. Sau này có con không thể suốt ngày cơm đường cháo chợ thế được."
"Tiền ăn đã tốn bằng cả tháng lương của một nhân viên hành chính rồi bạn ơi. Tiền quần áo rồi tiền mỹ phẩm nữa, làm gì tháng nào cũng chằn chặn hết 4 triệu. Tiêu thế này đến khi có con chắc tốn không dưới 40 triệu luôn."
"Vấn đề lớn nhất của hai em chị nghĩ là đang giữ tâm lý vợ chồng son không có áp lực gì phải lo thôi. Giờ tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà, bớt tiền mỹ phẩm với quần áo là ổn thôi."
Vấn đề mà vợ chồng chị Thanh Ngân gặp phải cũng là điều mà rất nhiều cặp vợ chồng trẻ khác vướng mắc. Dưới đây là những sai lầm mà các cặp vợ chồng trẻ thường mắc phải nhất.
Không có kế hoạch chi tiêu
"Vừa mới cưới mà", "cứ bình tĩnh đã", "mình phải tận hưởng đã chứ"... Đó là những lý do khiến bạn làm nhiều mà chẳng để được bao nhiêu. Rất nhiều cặp vợ chồng không có kế hoạch chi tiêu, cho rằng việc thiết lập ngân sách là không cần thiết. Chỉ đến một ngày, họ mới giật mình khi nhận ra mình đã tiêu hoang phí và không có khoản dự phòng nào.
Để đảm bảo cho kinh tế của cả gia đình, ngay sau khi cưới, hai vợ chồng nên lên kế hoạch tài chính. Sau khi đã có kế hoạch, cần theo dõi chi tiêu để đạt được những mục tiêu cụ thể đã đề ra. Việc theo dõi số tiền tiêu hàng ngày cũng quan trọng không kém việc thiết lập ngân sách.
Chỉ sau một thời gian ghi chép lại các chi tiêu và tổng kết thường xuyên, bạn sẽ nhận ra vấn đề của mình trong việc chi tiêu và có kế hoạch điều chỉnh cho hợp lý.
Tốn quá nhiều vào tiền ăn hàng quán
Vì chưa vướng vào con cái nên thường các cặp vợ chồng trẻ sẽ chi tiêu giống như khi chưa có gia đình: thích lê la hàng quán, chi nhiều cho mua sắm.
Họ ăn sáng ở ngoài, tối về thì nấu cơm, hôm nào ngại lại ra quán ăn cho đỡ mất công nấu nướng, cuối tuần thì hẹn gặp gỡ bạn bè đi ăn nhà hàng.
Mỗi bữa có thể không tốn quá nhiều song tính tổng lại một tháng, số tiền từ việc ăn hàng sẽ "ngốn" của bạn không ít đâu. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của bạn mà còn ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ của bạn. Thức ăn ngoài hàng thường được chế biến nhiều dầu mỡ và khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như khi bạn tự chuẩn bị tại nhà.
Chi tiêu theo cảm hứng
Mơ hồ bước vào hôn nhân và không biết mình phải làm gì với việc chi tiêu, nhiều người sẽ chọn cách chi tiêu theo cảm hứng. Mỗi khi thấy thích, họ sẽ không ngần ngại mua sản phẩm đó dù có khi không cần sử dụng đến.
Điều này phổ biến hơn ở phái nữ. Các chị em rất dễ chi tiêu nhiều khi tâm trạng có vấn đề, muốn xả stress. Họ sẽ chi tiền ngay cho những bộ váy hay một món đồ trông hay hay rồi về đến nhà lại hối hận vì thứ mình vừa bỏ tiền ra.