Từ khi về ra mắt đến ngày cưới, Phương luôn tỏ ra ngoan hiền, chịu khó và rất quan tâm đến bố mẹ chồng. Chính vì thế bà Huyền cũng thấy ưng, bà nghĩ thầm sau này sẽ có một con dâu hiếu thảo, thương bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.
Tuy nhiên, cưới về chưa được một năm, Phương bắt đầu bộc lộ tính xấu. Khi thì nói dối mẹ chồng để đi chơi, lúc lại cằn nhằn với chồng vì vấn đề tiền bạc.
Bà Huyền coi đó là những việc lặt vặt, bởi đây là điều mà nàng dâu nào cũng phải trải qua. Tuy nhiên, con dâu bà không dừng lại ở đó, cô bắt đầu nói chuyện trống không với chồng. Có lần bà Huyền gọi cô còn không trả lời, tỉnh bơ quay mặt đi. Bà Huyền thấy làm khó hiểu.
Bà lân la hỏi con trai nhưng con trai không biết gì, chỉ nói vợ con đã thay tính đổi nết rồi. Có hôm, bà thấy hai vợ chồng cãi vã trong phòng. Sau đó, bà Huyền có góp ý nhưng cô con dâu gạt phắt đi “đây là việc của vợ chồng con, mẹ không có quyền can thiệp”. Bà Huyền bàng hoàng, cô con dâu mà bà yêu thương, vốn nghe lời vậy giờ dám trả lời ngang ngược.
Rồi vỏ bọc của nàng dâu ngoan hiền cũng dần được hé lộ. Hôm đó, bà thấy con dâu mặt hằm hằm sát khí ngồi ở cửa phòng chờ chồng về. Chồng chỉ bước đến cửa, cô đã quát lớn “đi đâu mà giờ mới vác mặt về, tao là vợ chứ không phải ô sin của gia đình mày…”. Không chỉ có vậy, bà còn nghe được những câu nói bậy mà bà chưa từng nghĩ tới.
Cậu con trai thì không nói năng gì chỉ lẳng lặng đi vào phòng. Còn bà đứng chôn chân, không hiểu chuyện gì đang xảy ra và vì sao lại con dâu lại thay đổi thái độ sống nhanh đến vậy.
Người xưa đã từng nói “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” chính vì thế mà chẳng có gia đình nào lại không xảy ra những mâu thuẫn, xung đột. Thế nhưng, với những thành viên trong gia đình mà sống bằng bộ mặt giả dối thì thật sự đáng sợ.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Ánh Tuyết (Trung tâm tư vấn Linh Tâm), với những nàng dâu “hai mặt” thế này thì cần phải có "móng tay nhọn” mới trị được tận gốc.
Ban đầu, chúng ta có thể nhận thấy sự bất lực của người chồng khi vợ có thái độ hỗn láo. Phải chăng, cuộc sống vợ chồng đang có hiểu lầm hay khúc mắc gì nên người vợ mới cáu giận lây cả sang mẹ chồng. Hay ngay từ đầu người con dâu này đã có tật xấu và ngoan hiền cũng nằm trong kế hoạch của cô ta. Mẹ chồng phải tìm hiểu thật tường tận mọi chuyện sau đó mới đi đến phán xét và những quyết định của mình.
Hãy thử nói chuyện với con trai mình đầu tiên, hỏi tại sao lại để vợ có thái độ như vậy? Vì sao không có phản ứng gì, đã chịu đựng chuyện này lâu chưa? Có lẽ, con trai sẽ là người hiểu mọi chuyện hơn tất cả. Sau đó hãy phân tích cho con trai hiểu, trong cuộc sống dù là vợ chồng hay bất cứ mối quan hệ nào khác sự tôn trọng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày hôm nay vợ có thể chửi chồng bằng những câu nói hỗn láo, thiếu tế nhị, thì biết đâu ngày mai còn chửi cả gia đình nhà chồng. Vì thế, cần phải xác định rằng nếu tiếp tục chung sống, tiếp tục im lặng và chịu đựng đồng nghĩa với việc đồng thuận với mọi thái độ hành vi của vợ. Khi ấy vợ sẽ càng được đà lấn đến.
Sau khi nói chuyện với con trai, mẹ chồng cũng thẳng thừng với con dâu mình, mẹ chồng có thể hỏi “khi chửi chồng con có nghĩ gì không? Vì đó là chồng con, là cha của con con?”. Mẹ chồng cần thể hiện thái độ và quan điểm của mình về vấn đề này. Đừng nhẫn nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình của con trai mà cần mạnh mẽ, cứng rắn xử lý hành vi ứng xử, lời nói của con dâu sao cho phù hợp với gia phong, với đạo đức làm vợ, làm con dâu.
Khi đã làm dâu con, cũng là một thành viên trong gia đình vì thế, nếu con dâu có thái độ ứng xử vô lễ, thiếu tôn trọng với chồng, gia đình nhà chồng thì vô hình chung tự tách mình ra khỏi thế giới hạnh phúc và khiến mọi người không thể yêu thương, quý trọng cô ấy. Nếu thấy con dâu có thể thay đổi được, thì mẹ chồng cũng phải tham gia uốn nắn con dâu mình.
Ai cũng có thể mắc sai lầm quan trọng là sai ở đâu sửa ở đó, biết cách đứng lên sau vấp ngã.