Đánh ghen thời “công nghệ”
“Gửi em, tình nhân của chồng!”, “Con chị nhường bố cho em đấy”, “Mong mọi người chia sẻ cho nó nổi tiếng hộ em ạ…”.
Thoáng đọc là ai cũng biết y như rằng có một vụ “bóc phốt” tình địch của các bà vợ trong cơn cuồng ghen. Họ đa phần là mẹ bầu ốm đau, mẹ bỉm sữa kiêng cữ sau sinh không thể khiến chồng vui vẻ “chuyện ấy”.
Kèm theo dòng trạng thái rất tâm trạng đó là những hình ảnh tình tứ của chồng và tình địch, hình ảnh chụp lại đoạn chát mùi mẫn họ lén dành cho nhau.
Thời nay, không cần phải động chân động tay, không ít bà vợ dằn mặt kẻ “giật chồng” một cách kinh điển nhờ sự trợ giúp của mạng xã hội. Chiêu phổ biến nhất là tung ảnh, tên, nghề nghiệp của kẻ “giật chồng” lên mạng để kẻ đó “sáng nhất cõi Facebook”.
Thậm chí là địa chỉ nhà, địa chỉ Facebook, số điện thoại của “con giáp 13” cũng đều được các bà vợ đánh ghen đưa hết lên Facebook để cộng đồng mạng thuận tiện “nháy máy hội đồng”, “nháy cháy máy thì thôi”.
Dù không phải là chuyện của mình, hội chị em cũng nhiệt tình nhảy vào chửi rủa kẻ “giật chồng”, phá hoại hạnh phúc gia đình.
Bày nhau đánh ghen bằng ớt, cao trăn và định vị
Trên mạng xã hội, có hẳn những topic chị em hỏi ý kiến nhau cách đánh ghen. Theo đó, có vô vàn cách đánh ghen được chị em “mách nhau”. Người thì bảo “xát ớt vùng kín” là chiêu khiến “con giáp” nào cũng phải kinh sợ.
Hùa theo đó, trên một hội bí mật phòng the, có thành viên kể chị đã bí mật xát ớt vào quần lót của chồng để dằn mặt, khiến chồng bị nóng ngứa rồi khai “tuốt tuồn tuột” tội lỗi trong thời gian qua… Thỉnh thoảng, người ta lại thấy chị em hỏi nhau cách sử dụng cao trăn vì lời đồn đại món "thần dược" này có thể khiến gã đàn ông hư hỏng bị "liệt dương".
Chị em hùa vào thích thú, khẳng định đây là “chiêu đánh ghen cao tay nhất quả đất”, không cần đụng chân tay vẫn khiến kẻ ngoại tình hồn xiêu phách lạc.
Với chị em dư dả kinh tế, họ còn chọn đánh ghen “bắt tận tay day tận trán” bằng thiết bị định vị, quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Thậm chí, nếu có nhu cầu "thuê người đánh ghen" thì mạng xã hội vẫn đầy rẫy những địa chỉ phục vụ nhu cầu "nhạy cảm" này với nhiều mức giá khác nhau.
Dù không ra giá cụ thể nhưng trên một trang mạng xã hội, chủ dịch vụ này lạnh lùng khẳng định khách đã tìm tới dịch vụ là phải chi nhiều tiền.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cảm thấy bàng hoàng, đau xót khi nói về những trận đánh ghen như thế.
“Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, chị em có thể biết chính xác chồng đang cặp bồ ở đâu và đến bắt tại trận, đánh kẻ ngoại tình bầm dập.
Chứng cứ đánh ghen được lan truyền ầm ĩ trên mạng xã hội. Tôi cảm thấy xót xa cho những đứa con, con cái sẽ nghĩ như thế nào về cha mẹ mình khi thấy họ bị đánh ghen, lột quần áo giữa đường?
Hình ảnh mẹ bị đánh ghen, lột đồ sẽ ám ảnh trẻ suốt đời. Đứa trẻ làm sao có thể đi học nữa khi cứ tới trường là bị bạn bè trêu đùa, cả trường ai cũng biết là mẹ chúng bị đánh ghen, lột đồ?”.
Theo luật sư Ngọc Nữ, chị em đánh ghen cũng đều xuất phát từ mong muốn giữ gìn mái ấm gia đình. Họ “dằn mặt” tình địch cho hả dạ, vừa để đối phương biết đường rút lui.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là từ sự hẫu thuẫn của mạng xã hội, trong cơn nóng giận, người vợ có thể không kiềm chế được và gây hậu quả khôn lường.
Những phụ nữ bị lột đồ, đánh đập kinh hoàng do ghen tuông là minh chứng cho điều đó.
“Tôi cho rằng vì rất cứ lý do nào, chị em và những đứa con là người bị thiệt hại đầu tiên khi đánh ghen. Chúng ta không thiếu gì cách dàn xếp, giải quyết, giành người đàn ông về với gia đình, khiến người ngoại tình phải tâm phục khẩu phục. Đừng để từ việc là nạn nhân của tình cảm mà biến mình thành tội phạm của luật pháp, vướng vòng lao lý”, Luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh.