Ngày 2/7 câu chuyện bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, Hà Nội) hiến giác mạc để có thể mang lại ánh sáng cho những người khác khi trút hơi thở cuối cùng sau 10 năm chống chọi với bệnh tật trong vòng tay người thân và các bác sĩ khiến nhiều người vô cùng cảm phục.
Chiều cùng ngày, trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Ngọc Khánh (Quận Ba Đình, Hà Nội) chị Nguyễn Thị Hải Vân (mẹ bé Nhi) và Nguyễn Việt Nga (chị gái bé Nhi) đang cùng người thân lo hậu sự cho bé. Mỗi lần nhắc tới con gái bé nhỏ của mình, đôi mắt chị Vân thoáng chốc rơi lệ nhưng rồi lại cố gạt nhanh nước mắt.
Chị đau xót vì con gái đã không còn ở bên người thân do mắc căn bệnh Papylome (u nhú dây thanh quản) đeo bám bé Vân Nhi suốt 10 năm qua.
Theo lời chị Vân, bé Nhi mắc chứng bệnh trên từ khi mới 2 tuổi và đã được điều trị tại nhiều bệnh viện. Hơn 10 năm qua, chị cùng người thân luôn bên cạnh con trên chặng đường đấu tranh chống lại căn bệnh quái ác này. Thấp thỏm có, lo lắng có, nước mắt thì chảy rất nhiều… nhưng bù lại, lúc nào chị cũng thấy được sự lạc quan của con.
“Tiếng nói của Nhi không tròn, chỉ có bố mẹ, ông bà, chị gái và hai cô bạn cùng lớp chơi rất thân là có thể hiểu Nhi nói gì một cách nhanh nhất và không cần phiên dịch”, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân kể, mặc dù mắc bệnh từ nhỏ và quanh năm suốt tháng đi viện, có lúc một tháng phải xin nghỉ 21 ngày không thì cũng 7 đến 10 ngày để đi điều trị bệnh nhưng Vân Nhi rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, thầy cô, bạn bè ai cũng yêu quý em.
Người mẹ biết căn bệnh của con không thể kéo dài được lâu, nhưng chị vẫn luôn hy vọng bé Nhi sẽ mãi kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Từ lâu đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày phải xa Nhi vĩnh viễn, song chị Vân không bao giờ nghĩ mọi chuyện xảy đến nhanh như thế. Nhi vừa kết thúc năm học lớp 6 và đang trong kỳ nghỉ hè, gia đình cho em đi viện. Thời gian ấy, Nhi bị sốt, không thở được, gia đình đưa em đi cấp cứu và rồi em ra đi mãi mãi.
“Câu chuyện của bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc thực sự làm tôi xúc động và biết bao số phận bị bệnh tật nặng đang hàng ngày chờ đợi được ghép mô tạng để kéo dài sự sống. Khi con nằm trên giường bệnh, chúng tôi cũng chia sẻ với con chuyện hiến mô tạng, con gật đồng đồng ý.
Lúc đầu ngoài giác mạc, chúng tôi định hiến cả tim, thận… của con cho y học vì nếu trái tim của con được đập trong lồng ngực một người khác, lá gan hay thận, giác mạc của con được hồi sinh trong cơ thể người khác, cuộc đời con sẽ ý nghĩa biết bao nhiêu và con sẽ luôn ở bên gia đình nhưng vì con chưa đủ 18 tuổi nên gia đình chỉ có thể hiến giác mạc”, chị Vân trải lòng.
Chị Vân tâm sự, từ lúc quyết định hiến giác mạc của Nhi tới lúc các bác sĩ thực hiện việc lấy giác mạc, thời gian rất ngắn và quyết định đưa ra rất nhanh.
“Khi còn sống con mơ ước được làm bác sĩ để trước tiên cứu chính mình sau đó sẽ cứu những người bị bệnh khác. Nhi vẫn xin bác sĩ những xilanh sạch về nhà rồi tập tiêm trên thú bông hay trên tay bố mẹ, ông bà, chị gái. Bà ngoại hay mua những tờ báo phụ nữ về, Nhi thường đọc những nội dung liên quan tới sức khỏe hay vấn đề về y tế.
Những ngày cuối đời, con vẫn nói ‘Con yêu mẹ!’. Khi con ra đi con vẫn xinh lắm, gương mặt không bị biến dạng, làn da vẫn căng. Tôi nhìn con nhưng con chỉ như đang ngủ”, chị Vân bật khóc chia sẻ.
Chị Vân cho biết, mong ước của gia đình, nếu người nhận giác mạc của Nhi là người trẻ, gia đình muốn nhận người đó làm con nuôi để hàng ngày được nhìn thấy đôi mắt của Nhi vẫn bên cạnh họ.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương, người trực tiếp có mặt để chia tay Nhi và nhận giác mạc của cô bé cho biết: Khi ông cùng một số bác sĩ khác tới bệnh viện, bé Nhi đã không còn có thể trò chuyện được nữa mà nằm trên giường bệnh như đang ngủ. Một giấc ngủ dài thanh thản và đẹp đẽ.
“Chúng tôi đã nhận giác mạc của bé bằng cả niềm yêu thương và trân trọng, bởi trong trái tim chúng tôi, đó không chỉ là một một cô bé mà là một thiên thần nhân ái. Bởi còn rất nhỏ, nhưng bé đã biết sống vì người khác. Điều đó cũng có thể để mỗi người lớn chúng ta suy ngẫm”, ông Hoàng chia sẻ.