Tính đến ngày 11/2, Việt Nam đã ghi nhận 15 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, trong đó có 6 ca đã được điều trị khỏi. Trong số 15 ca nói trên có 10 ca ở tỉnh Vĩnh Phúc, vì thế Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng đây đang tâm điểm của dịch nCoV.
Tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - nơi có 4 trường hợp dương tính với virus corona, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết chính quyền đã lập chốt kiểm soát để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Theo đó, chốt kiểm soát dịch gồm công an, bác sĩ và cán bộ xã, túc trực 24/24h thực hiện nhiệm vụ nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Khi đi qua chốt, người dân được thực hiện sát khuẩn, đo thân nhiệt nhanh nếu cần và phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Chốt kiểm soát được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dù đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, động viên nhưng những người dân ở Vĩnh Phúc vẫn lo lắng, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ.
Dù nhà cách xã Sơn Lôi và Kế Thiện vài cây số, nhưng từ ngày 30/1 (ngày phát hiện ca bệnh dương tính đầu tiên ở Vĩnh Phúc) đến nay mỗi ngày chị Hồ Hoài lại thêm một nỗi lo mới, khi số người dương tính với virus corona ở địa phương tăng lên.
Chị Hoài có hai con nhỏ, cháu lớn năm nay 6 tuổi, còn cháu nhỏ mới được hơn 1 tuổi, vì thế khi sáng ngày 11/2 khi nghe tin một bé gái 3 tháng tuổi nhiễm virus corona khiến lòng chị lại nóng như lửa đốt.
Chị Hoài và những người mẹ có con nhỏ phòng ngừa dịch nghiêm ngặt
“Người lớn còn ý thức cách ly được, chứ trẻ nhỏ nghi nhiễm thì cách ly 14 ngày. Nếu không may dương tính phải điều trị khỏi mới ra viện. Cứ nghĩ đến cảnh các bé phải tạm xa bố mẹ, người thân, nằm một mình trong phòng mà tôi thấy thương”, chị Hồ Hoài chia sẻ.
Để bảo vệ hai con nhỏ trước dịch bệnh do virus corona chủng mới, 2 tuần nay chị Hoài “nhốt” con trong nhà và được bà nội trông coi cẩn thận. Tất cả đám cỗ, hội hè… mọi thành viên trong gia đình chị vắng mặt. Thậm chí, hàng xóm cũng cách ly không dám cho sang nhà chơi vì “sợ”.
“Làng tôi có 2 người đi Trung Quốc mới về, trong đó có 1 phụ nữ mang thai nên tôi cũng lo. Để phòng bệnh cho con, ngoài biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay, đeo khẩu trang… hàng ngày mỗi khi đi làm về, dù con đòi mẹ nhưng tôi đều phải thay quần áo, tắm sạch sẽ mới dám vào gần con”, chị Hoài kể.
Chị Hoài bảo vệ mình rất cẩn thận ở nơi làm việc, khi về nhà cũng không dám gần con luôn.
Tại gia đình là vậy, còn nơi chị Hoài làm việc vốn là một đô thị sầm uất với nhiều khu công nghiệp, hàng quán…nhưng 2 tuần vừa qua là những hình ảnh vắng người so với bình thường. “Buổi sáng đi làm ra đường rất ít người qua lại, có những đoạn đường còn chẳng có ai. Một phần cũng do sinh viên hiện cũng chưa đi học nên đường phố vắng vẻ lắm”, chị Hồ Hoài cho hay.
Với đặc thù công việc là làm ở siêu thị, tiếp xúc với nhiều người không quen biết nên để phòng bệnh, chị Hoài chỉ biết thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chị Hoài cho rằng, điều tích cực nhất chị cảm nhận được đó là người dân ngày càng nâng cao ý thức phòng bệnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành trong việc chống dịch.
“Điều tích cực đó được thể hiện số người mắc virus corona không ồ ạt gia tăng, hơn nữa đã có 6 bệnh nhân dương tính đã được điều trị khỏi. Tuy nhiên, không chỉ tôi, mà nhiều người khác chỉ mong sớm hết dịch để mọi hoạt động trở lại bình thường”, chị Hoài chia sẻ.