Massage không chữa được cận thị, bệnh phụ khoa
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội (TikTok) xuất hiện thông tin về việc chỉ cần dùng kỹ thuật massage tay có thể chữa được vô số bệnh khác nhau. Theo hướng dẫn, khi tiến hành massage ngón tay ở đúng khu vực có thể chữa được từ bệnh phụ khoa đến các bệnh trên mặt như cận thị hay các bệnh về đường tiêu hóa.
Đáng lưu ý, trong thời giãn cách xã hội, không ít người thực hiện theo chia sẻ này mà không đi khám sớm, bỏ qua “cơ hội vàng” điều trị bệnh theo khoa học.
Bác sĩ chuyên khoa sản - phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Hà Nội) cho biết, việc xoa bóp ngón tay không thể chữa được các bệnh phụ khoa nói chung và tử cung nói riêng. Việc điều trị bệnh phải dựa trên nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như bị u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung khi khám bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng để đưa ra chỉ định điều trị hợp lý nhất.
“Người dân không nên nghe theo những thông tin không chính xác trên mạng mà bỏ lỡ cơ hội điều trị khoa học. Khi có triệu chứng nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời”, BS Kim Dung chia sẻ.
Còn đối với thông tin massage ngón tay út có thể chữa khỏi được cận thị, Ths.BS Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khẳng định, điều này là không có căn cứ khoa học. Theo BS Thư, điều trị cận thị có thể dùng thuốc hoặc phương pháp hỗ trợ để tránh tăng số cận. Ngoài ra, phẫu thuật cận thị cũng là một chỉ định điều trị nhưng chỉ được thực hiện với người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên).
BS Thư cũng cho biết, trước đây từng xuất hiện thông tin massage mắt hay nhìn vào cây xanh khỏi cận thị, điều này là không đúng. Các biện pháp tập luyện như đã nói trên luôn được khuyến khích nhằm giúp giảm căng thẳng, đỡ mỏi mắt, tuy nhiên phương pháp này không chữa được cận thị, cũng như không làm giảm được độ cận. Hiện chưa có phương pháp tập nào điều trị được cận thị.
Dù không chữa được bệnh, nhưng có thể hỗ trợ tốt cho sức khỏe
Về phương diện y học cổ truyền, thạc sĩ - lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, đúng là kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân có tác dụng với một số bộ phận trên cơ thể, nhất là lục phủ ngũ tạng. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị chứ không phải cách để điều trị bệnh. Bởi vậy, người dân khi có vấn đề sức khỏe, cần đi khám để có kết luận dựa trên bằng chứng khoa học, sau đó kết hợp xoa bóp hỗ trợ trong quá trình điều trị tùy từng loại bệnh.
Ths.BS Dương Văn Tâm (BV Châm cứu Trung ương) cũng cho biết, đúng là trên bàn tay, bàn chân có những huyệt tưng ứng đối với lục phủ ngũ tạng, có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, không thay thế phương pháp điều trị khoa học.
BS Tâm lấy ví dụ cụ thể về đôi bàn chân được coi như “trái tim” thứ 2 của cơ thể. Vì thế, mọi người cần chú ý bảo vệ, giữ gìn hai bàn chân như bảo vệ trái tim của mình.
“Cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều đưa ra các nghiên cứu khẳng định vai trò rất quan trọng của đôi bàn chân. Mỗi bàn chân có rất nhiều dây thần kinh và rất nhiều mạch máu liên kết đến tim, cột sống, não, gan, thận…
Nếu để đôi bàn chân nhiễm lạnh sẽ ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là lục phủ, ngũ tạng. Ví dụ, người để chân bị lạnh qua đêm sẽ dẫn tới thận bị tổn thương, tỳ dương hư, sáng sớm ngủ dậy sẽ đau quặn bụng, đi ngoài tiêu chảy”, BS Tâm lưu ý.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi có bất thường về sức khỏe nên đi khám để bác sĩ có kết luận, hướng điều trị tốt nhất. Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp y học cổ truyền để hỗ trợ và phòng bệnh được hiệu quả hơn, theo hướng dẫn của nhà chuyên môn.