PGS.TS Lê Hữu Doanh, PGĐ BV Da liễu TƯ cho biết, mỗi năm nước ta có từ 1-2 triệu người mắc các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó phổ biến nhất là sùi mào gà, herpes sinh dục, nhiễm chlamydia, trong đó phổ biến nhất là sùi mào gà.
Trung bình mỗi năm BV Da liễu TƯ khám và điều trị cho khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân mắc sùi mào gà. Sau mỗi năm, số ca mắc mới tăng thêm khoảng 10%, trong đó có khoảng 700 ca phụ nữ có thai. Độ tuổi mắc nhiều nhất từ 15-49.
Ủ bệnh lâu
PGS Doanh cho biết, sùi mào gà do virus HPV gây ra. Có khoảng 100 type virus HPV, trong đó có khoảng 20-30 type có thể gây ra bệnh sùi mào gà, tuỳ từng loại virus sẽ gây nốt sùi ở các vị trí khác nhau.
Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn, tuy nhiên virus vẫn có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp như dùng chung dụng cụ, đồ dùng cá nhân của người nhiễm bệnh, lây qua dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng...
Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh từ 3 tuần đến 8 tháng với dấu hiệu ban đầu là sự xuất hiện các vết sẩn mềm màu da, hồng hoặc nâu, kích thước nhỏ 1-2mm, tập trung thành đám ở quy đầu, thân dương vật, bìu… (nam giới), môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo… (nữ giới). Các thương tổn này cũng có thể gặp ở xung quanh hậu môn, hầu, họng…
Ở giai đoạn đầu, bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm sang giang mai, u chuỗi hạt ngọc, bệnh mụn cóc sinh dục…
Sau vài tuần hoặc vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn như hình súp lơ.
Với phụ nữ, sùi mào gà sau khi xâm nhập vào cơ quan sinh dục có thể di chuyển ngược lên phía trên gây ra nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung.
Nếu nữ giới đang mang thai có thể lây nhiễm sang cho con khi còn trong bụng hoặc trong quá trình trở dạ, do đó với các trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo nên mổ đẻ để tránh lây bệnh sang con.
Với nam giới, nếu mắc sùi mào gà khi chưa cắt bao quy đầu, nguy cơ bị ung thư dương vật sẽ cao hơn những trường hợp khác.
Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ nhưng để bệnh kéo dài, trẻ có thể bị loét, xơ, nguy cơ gây ung thư dương vật.
Điều trị dài, dễ tái phát
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị điều trị sùi mào gà nên cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin ngừa HPV. Cách điệu trị hiệu quả là phá huỷ các khối sùi, tăng cường miễn dịch toàn thân, tại chỗ để diệt virus như dùng thuốc bôi, áp lạnh, đốt điện, laser... Nếu nốt sùi lớn, bắt buộc phải phẫu thuật.
PGS Doanh cho biết, điều trị sùi mào gà không chỉ một lần là khỏi, không điều trị được tận gốc, do đó bệnh nhân phải định kỳ thăm khám, trung bình 2-3 tuần/lần trong vài tháng để điều trị triệt để các tổn thương.
Bệnh cũng có nguy cơ tái phát cao khi hệ miễn dịch suy yếu do người mang virus sẽ mang trong cơ thể suốt đời.
Vừa qua, BV Da liễu TƯ điều trị cho không ít trường hợp tự đắp lá chữa sùi mào gà tại nhà. Hậu quả khiến bộ phận sinh dụng bị viêm nhiễm, sưng nề, lở loét, thậm chí máu không cầm.
Theo PGS Doanh, hiệu quả điều trị sùi mào gà từ các phương pháp dân gian, bài thuốc dân gian, thuốc nam chưa có cơ sở khoa học, không thể biết được thuốc có tác dụng theo cách nào và điều trị dựa trên nguyên lý nào.
Để hạn chế bệnh tái phát, các bác sĩ khuyến cáo: Không quan hệ tình dục trong suốt quá trình điều trị.
Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình khác nhau sau khi điều trị vì quan hệ bừa bãi sẽ dễ kích thích sự hoạt động của virus HPV.
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ ngay từ đầu, tránh thay đổi nhiều phương pháp điều trị sẽ làm virus HPV phát triển nhanh hơn và không thể kiểm soát.
Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống hợp lý, tránh dùng những chất kích thích, bia, rượu, dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục vì virus HPV thâm nhập vào cơ thể là do sức đề kháng yếu.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe 1, 2 năm/ lần để đảm bảo rằng virus HPV trong cơ thể đã được ức chế.