Một thiếu niên 16 tuổi ở Hòa Bình mới đây phải nhập viện do đang đi xe máy dưới trời mưa thì bị vạt áo mưa bất ngờ cuốn vào bánh xe gây ngã và bị đa chấn thương nghiêm trọng vùng sọ não, mặt hàm và ngực.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên người dân gặp tai nạn, thậm chí mất mạng với áo mưa cũng như các loại trang phục rộng, dáng dài lòa xòa. Trước đó, tại TP Đà Lạt, ông Phan Tấn Vũ (67 tuổi, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đi xe máy từ chợ Đà Lạt về trang trại của gia đình ở đèo Mimosa trong mưa lớn, gió mạnh. Khi đến giữa đèo, tà áo mưa phía sau của ông bị cuốn vào bánh xe sau khiến phần cổ, đầu của ông bị cuốn sát, ép chặt vào bánh xe.
Khi xảy ra tai nạn, đường vắng nên không có người phát hiện kịp thời giải cứu nên ông Vũ ngạt thở dẫn đến tử vong.
Hay tại tỉnh Nghệ An, chị N.T.L. (trú huyện Quỳ Châu) đang mặc áo mưa điều khiển xe máy tay ga chạy trên quốc lộ 48 đến đoạn dốc Bù Bài thì bị ngã xe máy, lửa bốc cháy dữ dội.
Theo nạn nhân và cơ quan chức năng nhận định, trong lúc chị L. mang áo mưa tham gia giao thông thì áo mưa bị cuốn vào bánh xe khiến chị L. bị tai nạn ngã xe xuống đường rồi xe bốc cháy. Chiếc xe máy bị cháy rụi, hư hỏng hoàn toàn.
Không chỉ gây nguy hiểm cho người lái mà nhiều trường hợp, người ngồi phía sau, nhất là trẻ nhỏ cũng đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì sự bất cẩn này. Năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh một cháu bé 4 tuổi được mẹ chở đi học về, áo mưa bị vướng vào xe khiến bé ngã ra đường bị xe tải cán tử vong.
Báo Dân trí cũng đã từng chia sẻ video cảnh một người điều khiển xe máy mặc áo mưa trùm kín hai em nhỏ ngồi sau. Vạt áo mưa bị cuốn vào bánh xe, lôi em nhỏ ngồi phía sau ngã xuống theo.
Vẫn may mắn là người đi xe máy kịp dừng lại ngay và giữ được thăng bằng nên chiếc xe không đổ ra đường, đè vào người em nhỏ. Nhiều người đi đường đã lập tức xúm vào hỗ trợ giải cứu em nhỏ đang mắc kẹt phía sau xe máy.
Mặc áo mưa loại nào, như thế nào thì đúng cách và an toàn?
Trên đây chỉ là một vài vụ điển hình trong tổng số rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do người dùng xe máy hiện nay đều sử dụng áo mưa cánh dơi sai cách.
Từ những vụ tai nạn đã xảy ra và qua quan sát trên đường cho thấy, mọi người thường trùm áo mưa phủ lên đầu xe, từ đó gây nhiều sự cố đáng tiếc như áo mưa làm vướng tay lái, dẫn đến việc khó xử lý khi gặp tình huống bất ngờ: áo mưa bị gió thổi tung lên mặt; che tín hiệu đèn xi nhan, khiến người khác không thấy được tín hiệu chuyển làn từ xi nhan, không quan sát được xe phía sau… Đồng thời, với những chiếc xe máy mà xích xe không có hộp bảo vệ, khi áo mưa cánh dơi mặc không đúng cách, cẩu thả, rất dễ bị cuốn vào bánh sau.
Để đảm bảo an toàn, nếu thường xuyên chạy xe máy vào mùa mưa, tốt nhất nên có một bộ áo mưa liền thân, tránh cản gió, lại chống ướt tốt. Trường hợp dùng áo mưa gió hay áo mưa cánh dơi cần cài tất cả cúc áo, đặc biệt ở phần tay và hông.
Khi dừng xe mặc hoặc cởi áo mưa, nên lựa vị trí an toàn, không cản trở phương tiện khác. Còn nếu ngồi trên xe hơi và đi chung đường với những người mặc áo mưa, hãy đề phòng các khả năng bất ngờ xảy ra từ thói quen và sự lóng ngóng của người mặc áo mưa, để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Giải pháp an toàn nhất cho người dùng khi chạy xe dưới mưa đó là sử dụng áo mưa bộ, nhưng rất ít người sử dụng loại này vì cho rằng nó bất tiện. Vậy để hạn chế tối đa những nguy hiểm khi sử dụng áo mưa cánh dơi lúc chạy xe máy người dùng cần chú ý:
Không để tà áo phủ qua đầu xe để tránh làm mất tầm nhìn ở kính chiếu hậu và cản trở việc bẻ lái.
Tà áo sau nên được ngồi lên để đảm bảo không bị rớt xuống và cuốn vào bánh xe.
Chú ý cài lại các nút áo ở 2 bên để tà áo mưa cánh dơi không tung bay khi có gió.
Nếu đi xe máy 2 người thì nên có áo mưa riêng, sẽ giúp cả 2 khô ráo hơn, nhất là với người lái sẽ toàn tâm toàn ý, tập trung hơn chứ không bị phân tâm khi phải chia sẻ áo mưa với người ngồi sau.