Theo đó, tài xế được xét nghiệm bằng phương pháp thử nước tiểu hai lần, cách nhau 3 giờ từ khuya 2/1 và rạng sáng 3/1. Cả hai lần xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với heroin. Bên cạnh đó, tài xế này cũng khai nhận đã uống rượu bia trước khi gây tai nạn kinh hoàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ Sức khoẻ, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm Thần TPHCM khẳng định, lái xe sử dụng chất kích thích như rượu bia hay ma tuý là hết sức nguy hiểm.
Bác sĩ Hiển giải thích, đơn vị rượu (alcohol unit) là lượng rượu tương đương 10ml rượu nguyên chất hay 25ml rượu mạnh 40 độ hoặc 200ml bia 5 độ cồn. Khi uống 2 đơn vị rượu trở lên thì nồng độ sẽ vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở. Luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới bắt đầu xử phạt từ nồng độ này.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP nghiêm cấm uống rượu bia khi điều khiển ô tô, riêng người điều khiển xe gắn máy sẽ bị xử phạt khi nồng độ vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và mức phạt sẽ tăng dần theo nồng độ rượu.
Theo ông Hiển, các ảnh hưởng của rượu lên não bộ từ 10-50mg/100ml máu hoặc 0,05mg-0,25mg/l khí thở sẽ gây giảm nhẹ khả năng phán xét, phấn kích và tăng hoạt động, vài vùng não bộ bị ức chế.
Từ 60-100mg/100ml máu hoặc 0,3-0,5mg/1 khí thở sẽ gây vỏ não bị ức chế lan tỏa, có cảm giác buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và đưa ra quyết định hợp lý, trương lực cơ giảm. Ở nồng độ này việc điều khiển xe rất dễ gây tai nạn và vì thế hầu hết các quốc gia đều cấm ở nồng độ này.
Từ 100-150mg/100ml máu hoặc 0,5- 0,75mg/l khí thở, gần như toàn bộ vỏ não bị ức chế, buồn ngủ, phản ứng trước các tình huống chậm 1 cách đáng kể, thất điều động tác, nhức đầu hoặc choáng váng, suy giảm chức năng thị giác như nhìn mờ hoặc nhìn đôi, trương lực cơ giảm mạnh.
Với nồng độ từ 160-290mg/100ml máu hoặc 0,8-1,45mg/l khí thở sẽ gây suy giảm cảm giác nghiêm trọng, bao gồm giảm nhận thức về các kích thích bên ngoài, suy giảm vận động nghiêm trọng, đi đứng loạng choạng hoặc té ngã.
Khi nồng độ đạt trên 400mg/100ml máu hoặc 2mg/l khí thở sẽ gây hôn mê, suy hô hấp, có thể ngưng thở và tử vong do rượu làm chậm phản ứng của não trước các tình huống cần đưa ra quyết định và phản ứng tức thời (phản xạ bị chậm) nên người uống rượu điều khiển xe rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Vị bác sĩ ví dụ, trong trường hợp ô tô đang lưu thông với tốc độ 50km/h và chỉ cần phản ứng chậm 1 giây đạp phanh thì xe đã trôi về phía trước được 13,8m (50.000m/3.600 giây). Đó chính là sự nguy hiểm khi lái xe mà sử dụng rượu bia trước đó.
Còn ma túy gồm nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ).
Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh trong khi hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…).
Do rượu gây ức chế thần kinh nên nếu sử dụng đồng thời rượu và chất gây nghiện sẽ có tác động "hiệp đồng" gây ức chế thần kinh quá đáng, làm buồn ngủ và chậm các phản xạ hoặc xử lý tình huống sai lầm, gây hậu quả tai nạn thảm khốc.
Ngoài ra, người nghiện heroin nếu không có "thuốc" trong vòng 4-6 giờ sẽ có hội chứng rất khó chịu, mất khả năng làm chủ bản thân và có những hành vi nguy hiểm. Đa số người nghiện heroin khi lên cơn thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say.
Trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Long An, khó xác định tài xế đang ở thời điểm nào của cơn nghiện, là đang phê hay đang "đói thuốc" và dùng rượu để làm giảm sự khó chịu do đói thuốc. Tuy nhiên, dù tài xế có ở thời điểm nào thì cũng đều làm mất khả năng điều khiển xe và đã gây tai nạn.