Tôi lấy chồng 11 năm, làm dâu với nhiều đắng cay tủi cực. Thứ nhất là việc gia đình chồng tôi nghèo nhưng lại không thích lao động. Hai vợ chồng gánh vác kinh tế của cả nhà. Tuy thế nhưng chồng tôi lại ham mê rượu chè, tiền mang đi nhậu gần như hết sạch. Đã thế khi tôi sinh con thứ 2 thì anh ta bỏ việc ở nhà chơi không 2 năm trời. Nhà 6 miệng ăn gồm bố mẹ chồng, 2 đứa con và 2 vợ chồng, mình tôi gánh vác. Nhưng do thời gian thất nghiệp quá lâu, chồng tôi thay đổi tính nết, ghen tuông bóng gió và lúc nào cũng tự ái khi người khác khen tôi ngoan ngoãn, đảm đang, giỏi làm kinh tế. Dần dần, những điều đó trở thành nỗi nhục của anh ta, hoặc anh ta tự cho rằng tôi làm anh ta xấu mặt, biến anh ta thành bù nhìn. Anh ta bắt đầu lấy cớ gây sự, đánh, chửi tôi thậm tệ.
Thời gian chúng tôi lục đục, gia đình chồng bênh tôi, ủng hộ tôi, trách mắng anh ta, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì, vì được nuông chiều nên từ bé đến lúc lớn lên, lấy vợ, có con, anh ta vẫn làm “bá chủ” gia đình. Bố mẹ anh ta mà nói không vừa tai là bị anh ta chửi thậm tệ cho nên ai cũng sợ.
Không thể chịu đựng nổi cảnh sống vừa quần quật kiếm tiền lại vừa bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, tôi đơn phương ly hôn. Nhưng khi ra tòa, tôi chỉ được nuôi đứa nhỏ. Lúc đó, tôi chỉ có ý định bỏ của chạy lấy người để thoát khỏi anh ta, nhiều người cũng khuyên tôi nên chấp nhận để anh ta nuôi đứa lớn, đến khi anh ta lấy vợ sẽ để nó về với mẹ.
Thời gian đầu, do con tôi còn học ở gần nhà (lúc xác định ly hôn tôi đã mua nhà khác và dọn ra ở riêng), nên anh ta để con ở với tôi. Hết năm học, anh ta đòi về nuôi. Tôi vô cùng đau khổ vì suốt 11 năm qua, anh ta đi ăn chơi ở ngoài chỉ có 3 mẹ con tôi chăm lo cho nhau. Lúc con tôi ốm, anh ta vẫn ở ngoài quán nhậu chỉ tôi đưa con đi viện… Bao đắng cay nuôi con lớn, giờ phải chia lìa. Nhưng rồi tôi quyết định phải vững vàng tinh thần, tiếp tục làm kinh tế để sau này lo cho chúng, nên tôi chấp nhận để con lên ở với anh ta mà không tranh giành gì.
Điều tôi cảm thấy thất vọng nhất chính là đã luôn tin rằng, gia đình chồng đối xử tốt với tôi là thật lòng. Nhưng tôi đã nhầm. Từ ngày con tôi lên ở với bố và ông bà nội, tôi thường xuyên lên thăm con. Trước đây, kể cả sau khi ly hôn tôi vẫn thường xuyên biếu tiền mẹ chồng cũ. Bây giờ, nếu vài ba tuần tôi không cho tiền thì mẹ chồng cũ tôi tỏ thái độ khinh khỉnh. Khi tôi đưa tiền lại vồn vã. Vì muốn đến thăm con trong không khí vui vẻ nên tôi vẫn đưa tiền cho bà, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy tình cảm của họ xưa kia đối với tôi tốt chỉ là do tôi kiếm tiền để họ ăn, họ tiêu. Còn bây giờ khi tôi “hết giá trị lợi dụng”, mẹ chồng cũ sẵn sàng tỏ thái độ. Mỗi lần lên thăm con, tôi như thể bị mẹ chồng cũ “tống tiền”.
Tiền không phải lúc nào tôi cũng có, nhu cầu thăm nom con thì tôi không thể đừng. Tôi từng nghĩ, nếu như tôi không đưa tiền thì con tôi bị đối xử thế nào? Vì nhiều lần mẹ chồng cũ đã “kể tội” con tôi khi tôi đến chơi nếu lâu lâu tôi không đưa tiền. Tất nhiên, sự chịu đựng của tôi cũng có giới hạn, con tôi cũng muốn sống với mẹ cho nên tôi đã làm đơn và chờ tòa ra quyết định thay đổi quyền nuôi con, nhưng đối với tôi, hình ảnh của người mà tôi từng coi như “người mẹ thứ 2” đã trở nên vô cùng xấu xí.