Nội dung bài viết:
Nguyên nhân bà bầu bị quai bị
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Virus có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể: khoảng từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 200 độ C và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C, hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.
Bệnh quai bị thường xuất hiện cao điểm từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mọi độ tuổi đều có khả năng mắc bệnh, từ trẻ nhỏ đến phụ nữ mang thai. Tỷ lệ mắc bệnh quai bị ở phụ nữ mang thai hiện nay chỉ còn 1/1000 trường hợp. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Virus quai bị dễ dàng lây lan bởi những giọt nước bọt bị nhiễm bệnh trong không khí. Khi một người bị nhiễm bệnh có hành động ho hoặc hắt hơi, họ cũng đồng thời giải phóng mầm bệnh ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, bà bầu tiếp xúc với người đang mắc bệnh quai bị thì rất dễ bị lây bệnh.
Các triệu chứng của bệnh quai bị ở phụ nữ mang thai như sốt cao từ 39 - 40 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, đau cổ họng, amidan sưng to nhưng đặc trưng là một hoặc hai bên amidan sưng to, lấy tai làm trung tâm lan tỏa ra phía trước, sau và phía dưới, ấn thấy đau, đồng thời đạt mức cao điểm từ 2 – 3 ngày, kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Nếu gặp các dấu hiệu trên, mẹ bầu nên đến bác sĩ để được kiểm tra, thăm khám chính xác.
Bà bầu bị quai bị có nguy hiểm không?
Đây chắc chắn là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của chị em nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này khi mang thai.
Bà bầu bị quai bị tuy là trường hợp hiếm gặp nhưng sẽ gây nên những biến chứng gấp đôi vì có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Nhiều trường hợp bà bầu phát hiện và điều trị muộn vì không nghĩ mình mắc bệnh quai bị mà nhầm lẫn cho rằng bị viêm tuyến nước bọt hoặc "mọc răng khôn".
Hệ miễn dịch của bà bầu yếu hơn người bình thường nên khi mắc quai bị, các triệu chứng bệnh thường diễn biến nhanh và nguy hiểm hơn người bình thường.
Phụ nữ mang thai mắc phải bệnh quai bị có nguy cơ bị sưng ở buồng trứng cũng như ở các bộ phận khác nhau của vú. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng cũng dễ khiến bạn cảm thấy không thoải mái vì sốt và đau đầu hành hạ. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, quai bị có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng não hoặc bị mất thính lực đáng kể.
Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng việc không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bà bầu bị quai bị khi mang thai tháng thứ 4 có thể tăng nguy cơ khả năng thai nhi dị dạng, sảy thai. Còn nếu bà bầu bị quai bị 3 tháng cuối có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.
Trên thực tế, không ít chị em khi mắc bệnh quai bị đã nghĩ ngay đến việc phá bỏ thai vì sợ con bị dị tật. Theo các bác sĩ sản khoa, bà bầu bị quai bị không nhất thiết phải đình chỉ thai nghén. Nếu mắc bệnh quai bị trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ thì nên được kiểm tra sức khỏe chặt chẽ.
Do đó, chị em không nên quá lo lắng, nếu bị quai bị khi mang thai nhưng được theo dõi và điều trị tốt vẫn có thể sinh con khoẻ mạnh bình thường.
Tốt nhất trước khi có kế hoạch mang thai, chúng ta nên tiêm phòng vắc xin quai bị. Bạn không nên đợi đến khi mang thai mới tiêm phòng quai bị. Bởi vì vacxin phòng quai bị có chứa virus sống, chúng có khả năng xâm nhập vào thai nhi. Tương tự, bạn cũng nên tránh mang thai ít nhất một tháng sau khi tiêm phòng chứng bệnh này.
Cách chăm sóc cho bà bầu mắc bệnh quai bị
Cách chữa bệnh quai bị cho bà bầu là không tự ý dùng thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Thai phụ cần đi khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ sẽ làm giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như sốt, ho và sưng hàm. Bệnh nhân mắc bệnh cần hạn chế vận động, an thần và chăm sóc sức khỏe trong thời gian toàn phát.
Khi bị đau, thai phụ nên tăng thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thực phẩm mềm và lỏng, phải giữ gìn vệ sinh miệng sạch sẽ, dự phòng vi khuẩn tiếp tục gây viêm nhiễm, nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
Sau khi đã khỏi bệnh, bạn cần đi khám thai thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như bệnh có gây biến chứng gì cho thai nhi không. Thực hiện các biện pháp sàng lọc trước khi sinh để phát hiện những nguy cơ không tốt đối với thai nhi và nhận lời khuyên hợp lý của bác sĩ về tình trạng bệnh của mình.
Dinh dưỡng cho mẹ nhanh khỏi bệnh
Chế độ ăn uống khi bị bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khoẻ của chị em. Bà bầu bị quai bị nên ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Nếu chẳng may mắc bệnh, mẹ bầu nên thay đổi chế độ ăn như sau:
- Không nên ăn những loại thực phẩm cứng, lạnh, nóng cay… sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.
- Nói không với những thực phẩm có thành phần nếp như bánh chưng, xôi…
- Nên ăn những món lỏng như cháo, canh, súp… vừa dễ tiêu hóa lại không bị đau. Nếu quá khó nhai có thể ăn bằng ống hút.
- Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin cho cơ thể.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Chữa bệnh quai bị bằng bài thuốc dân gian
Một số món ăn, bài thuốc dân gian có thể dùng để điều trị bệnh quai bị:
Bài 1: Đậu xanh 30g, cải trắng 3 cây. Đậu xanh đem ninh cả vỏ chín nhừ rồi cho rau cải vào nấu cùng, chia ăn 2 lần trong ngày, dùng liên tục trong 3 - 5 ngày.
Bài 2: Khổ qua 100g bỏ ruột, thái miếng rồi chế thành các món ăn, ăn trong vài ngày.
Bài 3: Nhân hạt gấc 2 - 3 hạt, giấm thanh hoặc rượu trắng 10ml, đem hạt gấc mài vào giấm hay rượu bôi nhiều lần vào chỗ sưng đau.
Bài 4: Sử dụng ít hạt cam thảo dây, nghiền thành bột, trộn đều với lòng trắng trứng gà. Dùng hỗn hợp này bôi lên vùng sưng, mỗi ngày một lần.
Nhìn chung, bệnh quai bị khá lành tính, ít khi gây ra biến chứng nguy hiểm gì nếu như được điều trị và kiêng cữ kịp thời, đúng cách. Ngoài việc chủ động tiêm ngừa vắc xin, thai phụ cần tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh quai bị để tránh bị lây nhiễm.