Số liệu quan trắc cho thấy, từ đêm 4/12 đến trưa nay (5/12), khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 4/12 đến 8 giờ ngày 5/12 tại một số nơi được ghi nhận được: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 268,1mm; Hồ Phú Lộc (Quảng Nam) 129,6mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 118,8mm…
Dự báo từ ngày 5 - 7/12, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Từ ngày 8 - 9/12, khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70 - 150mm, có nơi trên 200mm.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đang dao động. Từ ngày 5/12 đến ngày 7/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2,0 - 4,0m, hạ lưu từ 1,0 - 2,0m. Đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có sông trên BĐ2.
Liên quan đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài, Dự báo viên Bùi Văn Chiến thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, thông tin độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã đạt trạng thái gần bão hòa (90 - 99%).
Thông tin từ tỉnh Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của thiên tai, các hoạt động văn hóa, thể thao nhân dịp kỷ niệm 23 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới đã phải tạm hoãn.
Với việc khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh miền Trung. Trong đó, trọng tâm là 7 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà.
Thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho thấy, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân. Trong đó, đáng tiếc nhất là 3 trường hợp bị chết do mưa lũ. Trước diễn biến thiên tai, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên... đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Đến nay, đã có 28 tỉnh, TP trên cả nước ban hành văn bản chỉ đạo, chủ động triển khai ứng phó mưa lũ, rét đậm, rét hại, gió giật mạnh trên biển. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP vẫn đang theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thời tiết, thiên tai. Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.