Long nhãn là vị thuốc bổ từ quả nhãn sấy khô. Theo y học hiện đại, quả nhãn có giá trị dinh dưỡng cao bởi nguồn vitamin C dồi dào giúp tăng cường quá trình hấp thu sắt trong cơ thể, hạn chế chứng bệnh thiếu máu, giúp các dây thần kinh thư giãn và tăng cường chức năng hoạt động, do vậy, giúp dễ ngủ...
Theo y học cổ truyền, long nhãn vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tâm, tỳ, dưỡng huyết, an thai, ích trí, chữa thần kinh suy nhược, kém ngủ, hay quên. Trong thực tế, long nhãn dùng riêng hãm với nước sôi để nguội, uống nước, ăn cái có tác dụng giảm mệt mỏi, đau nhức và kiệt sức hoặc phối hợp với những vị thuốc khác để phục hồi sức khỏe.
Chữa mất ngủ: long nhãn 9g, toan táo nhân 9g, khiếm thực 15g. Sắc uống.
Trị chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi, đoản hơi: long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống.
Trị chứng suy giảm trí nhớ, hay quên, hay hốt hoảng, lo nghĩ quá nhiều, hoa mắt, chóng mặt: long nhãn 16g, câu đằng 12g, toan táo nhân 10g, thục địa 16g. Sắc uống.
Chữa tiêu hóa kém, chán ăn, ăn không ngon miệng: bạch truật 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, ý dĩ nhân 10g, liên nhục 10g, phục thần 12g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Để ích khí bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm: nhân sâm 10g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn 12g, toan táo nhân 12g, phục thần 12g, viễn chí 8g, mộc hương 6g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
Một số món ăn thuốc trị bệnh có long nhãn
Bài 1: long nhãn 20g, ba ba 1 con nhỏ, sơn dược 20g. Ba ba làm sạch, thái miếng, cho long nhãn, sơn dược và nước, thêm gia vị hầm mềm. Tuần ăn 1- 2 lần để bồi bổ sức khỏe sau khi ốm dậy.
Bài 2: long nhãn 16g, gạo tẻ 100g, đại táo 15g. Nấu cháo ăn mỗi ngày, ăn liên tục 10-15 ngày có tác dụng bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần.
Bài 3: long nhãn 16g, hoài sơn 16g, giáp ngư 500g. Giáp ngư mổ bỏ ruột, cắt miếng cho long nhãn và hoài sơn vào, thêm nước, gia vị vừa đủ, hầm mềm, ăn thịt và uống nước thuốc có tác dụng bổ thận âm, ích khí, hoạt huyết.
Bài 4: long nhãn 15g, hạt dẻ 15 hạt, gạo tẻ 50g. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được, cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường. Chữa chứng tâm thần bất an, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối.
Bài 5: long nhãn và hạt sen, hai thứ lượng bằng nhau. Đường phèn vừa đủ nấu thành chè hạt sen long nhãn có tác dụng giải nhiệt ngày hè, tĩnh tâm, an thần.
Bài 6: long nhãn 30g, hồng táo 15g. Sắc nước uống hàng ngày. Dùng cho trẻ nhỏ ra nhiều mồ hôi trộm.