Trong buổi làm việc với cán bộ Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Lê Tấn Hùng – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM thừa nhận đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho Q.A (22 tuổi, trú tại tỉnh Cà Mau, thường trú huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Khoảng 10 ngày sau ca phẫu thuật tại bệnh viện V.H do bác sĩ Lê Tấn Hùng thực hiện, cô gái đã tử vong. Trong báo cáo của bệnh viện Nhân dân 115, nơi tiến hành cấp cứu cho Q.A, cô gái đã mang thai khoảng 16 – 17 tuần.
Theo lời bác sĩ Lê Tấn Hùng, ông không biết cô gái mang thai khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực.
Tuy nhiên, lời phân trần này đã bị Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Bùi Mạnh Trạng bác bỏ. Theo ông Trạng, mang thai là một trong những yếu tố có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, do đó trước khi phẫu thuật bác sĩ phải kiểm tra tổng quát và đánh giá các nguy cơ bệnh nhân có thể gặp phải. Do đó, việc bác sĩ Lê Tấn Hùng phân trần khi phẫu thuật không biết cô gái mang thai là hoàn toàn vô lý.
Kể từ khi sự việc xảy ra, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu bác sĩ Lê Tấn Hùng dừng tất cả phẫu thuật ngoài vùng răng hàm mặt ở tất cả các cơ sở mà ông hợp tác.
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu bệnh viện làm rõ lý do vì sao lại cho phép bác sĩ răng hàm mặt tiến hành phẫu thuật cho thai phụ.
Theo thông tin báo Dân Trí đăng tải, bên cạnh công việc ở bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, bác sĩ Lê Tấn Hùng còn có 1 phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ riêng của mình và có nhận hợp đồng làm thêm ngoài giờ tại hai bệnh viện khác.
Được biết, chuyên môn của bác sĩ Lê Tấn Hùng là phẫu thuật các bộ phận trên mặt chứ không phải ngực.
Theo hồ sơ, vào tháng 4, Q.A có tiến hành phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện V.H. Mười ngày sau, vết mổ bị chảy dịch, khó thở nên đã đến bệnh viện khu vực Hóc Môn kiểm tra.
Tuy nhiên, tình trạng trở nên nặng hơn. Q.A được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 nhưng đã tử vong vì bị sốc nhiễm trùng – hậu phẫu đặt túi ngực.