Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại cảnh hàng chục người Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia. Những người này sau đó cố gắng vượt qua sông nhập, cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trong 42 người cố gắng thoát khỏi casino, 40 người đã vào Việt Nam an toàn, một trường hợp tử vong khi bơi qua sông (đã tìm thấy thi thể), người còn lại bị bảo vệ sòng bạc ở Campuchia giữ lại.
Bị còng tay, chích điện
Anh L.Đ.H. (ở tỉnh Gia Lai) đã về được Việt Nam sau 4 tháng bị bóc lột sức lao động ở Campuchia. Trước đó, anh H. cùng nhiều người khác vượt biên trái phép sang Campuchia với mong muốn có một công việc ổn định, lương cao. Tuy nhiên, họ bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo lời kể, mỗi ngày, anh H. phải làm việc 15 giờ hoặc bị bán vào các sòng bài. Họ bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam.
Chỉ tay vào vết thương chưa lành trên người, anh. H kể hàng ngày, anh phải lên các trang mạng thực hiện hành vi lừa đảo. "Chúng cho chỉ tiêu, ví dụ trong vòng 5 ngày phải tìm được 2 khách hàng", anh H. nói.
Những ai không làm đủ chỉ tiêu thì bị đưa vào danh sách đen. Trong 5 ngày tiếp theo, ai không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị chích điện. Sau 10 ngày sau vẫn không tìm được khách thì sẽ bị bán.
“Tôi đã 2 lần bị chích điện. Ba thanh niên còng tay vào ghế, giữ chặt tôi lại và bắt đầu chích điện đến khi nào gần ngất xỉu mới dừng”, anh H. kể.
Một trường hợp khác là anh N.Q.T. (ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cũng cho biết quá trình làm việc ở Campuchia phải chịu rất nhiều áp lực và bị chèn ép. Tháng lương đầu, người đàn ông này được hơn 500 USD. Những tháng sau, lương anh T. bị trừ dần vì không đạt chỉ tiêu.
“Tôi muốn chia sẻ với mọi người, đừng ham và tin vào việc nhẹ lương cao. Chẳng có việc nhẹ đâu, nặng đầu lắm và khi làm không được bạn sẽ bị bán từ công ty này sang công ty khác và chỗ nào cũng bị đánh đập dã man”, anh T. nói.
Lừa đảo bằng thủ đoạn việc nhẹ lương cao
Theo các nạn nhân, do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc với mức lương 700-1.000 USD/tháng nên họ vượt biên trái phép sang Campuchia.
Khi phải làm việc quá thời gian quy định, không được trả lương, bị đối xử thậm tệ, những người này bàn bạc cách vượt biên giới về Việt Nam. Đoạn video lan truyền trên mạng đã ghi lại cảnh 42 người xô xát với bảo vệ sòng bạc để tháo chạy hôm 18/8.
Sau khi lấy lời khai 40 người (35 nam và 5 nữ) từ casino Rich World, Campuchia, bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang điều tra làm rõ vai trò những người đưa lao động vượt biên trái phép.
Chiều 20/8, Công an tỉnh An Giang đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, cùng ở huyện An Phú) để điều tra về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Lệ khai nhận khoảng tháng 5, một người đàn ông không rõ lai lịch đã rủ người phụ nữ này tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia.
Lệ sau đó rủ Danh cùng tham gia đưa khách đến bến sông phía bờ Việt Nam để đưa sang Campuchia. Theo thỏa thuận, nếu đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/người.