Mỗi ngày mỗi đêm, anh ấy không thể ngừng nghĩ đến thảm kịch Itaewon. Anh ấy đã đến đó cùng người yêu của mình.
Anh ấy sống sót. Nhưng cô ấy thì không.
Chàng trai - giờ đang nằm ở một bệnh viện tại Seoul - nói: “Cảm giác tội lỗi, cảm giác hối hận cứ ám ảnh tôi. Tôi liên tục tự hỏi mình rằng tôi đã có thể làm gì khác đi để cứu cô ấy không”.
Cặp đôi này lẽ ra đã có một buổi hẹn hò rất vui tại quán ăn của một người bạn tại Itaewon. Họ đến Itaewon vào khoảng 9h50’ tối hôm 29/10.
Lúc ấy, các con phố chính đã đông đúc. Cặp đôi đi qua con hẻm nhỏ, nghĩ rằng đi đường tắt thế thì nhanh hơn.
Nhưng hóa ra họ đã nhầm.
“Đi được khoảng nửa đường trong hẻm, tôi bắt đầu thấy có sức ép từ cả trước lẫn sau, ngày càng nhiều hơn,” - chàng trai giấu tên kể lại - “tôi bị kẹt ở đó hơn một tiếng, ngày càng khó thở. Tôi thấy buồn nôn và hoàn toàn mất cảm giác từ ngón chân tới đỉnh đầu”.
Lúc ấy, anh không biết người yêu mình đang ở đâu.
Do đám đông cứ kéo và đẩy, anh nghĩ chắc cô bị đẩy dạt ra trong biển người đông đúc này.
Ngay khi sắp ngất xỉu thì anh thấy mình được ai đó kéo lên.
Đó là một người lính cứu hỏa.
“Anh ấy nhấc tôi lên và đưa tôi đến một quán ăn gần đó. Ngay cả khi tôi được đưa đến bệnh viện, tôi vẫn nghĩ người yêu tôi vẫn sống”.
Chàng trai này không biết khi nào mới được ra viện. Các bác sĩ bảo rằng anh bị tiêu cơ vân, là một tình trạng nghiêm trọng do hệ cơ xương bị tổn thương.
Từ khi tỉnh dậy trong bệnh viện, anh chỉ lên mạng tìm video về thảm kịch Itaewon, hy vọng nhìn thấy người yêu mình.
Nhưng anh không thể thấy cô.
Cô ấy nằm trong số 156 nạn nhân không may đã thiệt mạng giữa đám đông hôm ấy.
“Cái ý nghĩ rằng người yêu tôi đã chết khi phải chịu đau đớn suốt khoảng thời gian lâu như vậy… nó khiến tôi không thể sống nổi” - chàng trai nói.
Cũng như chàng trai ấy, rất nhiều người sống sót sau thảm kịch, cùng với gia đình, bạn bè của các nạn nhân đều đang chìm đắm trong những nỗi đau về tinh thần và tâm lý, nhiều người đã có những triệu chứng trầm cảm.
Bởi vậy, các cơ quan Chính phủ, các trường đại học ở Hàn Quốc đã bắt đầu mở những buổi trị liệu, khuyến khích bất kỳ ai cần sự hỗ trợ đến dự. Ngoài ra còn có các đường dây nóng và sẽ có cả trang web để mọi người có thể tiếp cận với các nhà tư vấn tâm lý qua điện thoại hoặc qua mạng.
Bác sĩ Chung Chan-seung khuyên bất kỳ ai đang bị suy sụp về tinh thần/ tâm lý, vì bất kỳ lý do gì, đều nên cố gắng tập hít thở sâu và thực hiện “cái ôm bươm bướm”: Bắt chéo tay trước ngực thành một chữ X và nhẹ nhàng vỗ vào hai bên cánh tay của mình 10 - 15 lần.