Chỉ sau mấy ngày đăng lên trang cá nhân, những tâm sự này của Ngân đã có gần 6.000 lượt chia sẻ và hơn 3.000 lượt comment. “Sau 5 ngày điều trị thì bố em đã đi rồi. Em mong mọi người đọc được post này xin đừng chủ quan, nghĩ rằng mình không bao giờ là nạn nhân. Chính em cũng từng nghĩ vậy cho đến ngày hôm nay...", Ngân viết.
Cô gái nhắc lại vụ ngộ độc rượu methanol tập thể ở Lai Châu khiến 8 người tử vong, sau đó bữa liên hoan mùng 8/3 khiến 9 sinh viên vào viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rất nặng… Rượu giả ở đây là rượu pha bằng methanol; một loại cồn được dùng làm sơn, vecni hay các chất tẩy rửa. Giá của loại rượu này rẻ hơn rất nhiều so với rượu truyền thống phải chưng cất, lên men. Với cách làm này, người bán lãi gấp 10-20 lần.
"Cái tham làm mờ con mắt, không hiểu những người bán rượu giả đó có biết họ đang giết bao nhiêu sinh mạng không? Những tưởng chỉ xem trên tivi nhưng không ngờ có một ngày nạn nhân chính là bố mình", cô gái trẻ chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bố Ngân lên đến 160, trong khi chỉ 20 đã là ngộ độc, 40 là nhiễm độ nặng, khả năng tử vong cao. Trong 3 ngày đầu ngộ độc, bố cô được lọc máu liên tục, xét nghiệm cho thấy không còn methanol trong máu nhưng cuối cùng ông cũng không qua khỏi.
"Thật sự thì cho đến thời điểm này em sợ nhất là uống nước, cứ có nước vào người là em lại khóc. Em mong không ai rơi vào hoàn cảnh như em nữa. Người chết thì thôi nào biết đến người sống ra sao nữa đâu. Vì thế, hãy nghĩ đến những người yêu thương mình. Mong mọi người tỉnh táo, đừng vì một chén vui mà mang nỗi buồn đến cho cả gia đình", cô gái chia sẻ trên facebook.
Từ cuối tháng 2 đến nay, Hà Nội ghi nhận 25 ca cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol, 3 người tử vong, nhiều người trong tình trạng nặng. Các bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ; xét nghiệm lượng methanol trong máu rất cao. Họ đều mua rượu trắng ở cửa hàng tạp hóa không có nhãn mác, hoặc uống tại quán ăn... mà không biết chúng được pha cồn công nghiệp.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.