1. Thành phần hóa học rau mồng tơi
Trong rau mồng tơi có vitamin A, vitamin B9 (acid folic), vitamin C, calci, magie, sắt và vài chất chống oxy hóa, chất saponin, các acid amin thiết yếu như arginin, isoleucine, leucine, lysin, tryptophan...
Vitamin C trong lá mồng tơi cao gấp 3 lần rau cải, vitamin A cao gấp 1,5 lần rau xoăn (kale). Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo hoạt tính kháng ung thư, chống ôxy hóa và chống viêm trên thực nghiệm của rau mồng tơi do có chất beta sitosterol
Có nhiều lợi ích khi ăn rau mồng tơi vào mùa đông. Rau mồng tơi đi vào kinh mạch gan, dạ dày, ruột già, ruột non, không chỉ có tác dụng làm dịu gan, điều khí mà còn dưỡng huyết, bồi bổ cơ thể, làm ẩm.
2. Công dụng của rau mồng tơi
Gan và thị lực
Rau mồng tơi đi vào gan có tác dụng dưỡng gan, làm dịu gan. Hàm lượng lutein của nó tương đối cao so các loại rau thông thường. Lutein có thể bảo vệ thị lực và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng
Nhuận tràng
Mồng tơi chứa nhiều chất xơ, giúp thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, nhuận tràng và ngăn ngừa táo bón. Theo Đông y, rau mồng tơi có tính lạnh, hoạt, không độc; tác dụng nhuận tràng, lợi đại tiểu trường. Chỉ định điều trị thường dùng cho người bị táo bón, đại tiện khó khăn, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ có thai bị táo bón.
Chữa say nắng: Giã lá mồng tơi rồi đắp vào trán sẽ giúp giảm nhiệt , bệnh nhân say nắng sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Chữa nám, thâm da: Lấy lá mồng tơi rửa thật sạch, giã nhuyễn, sau đó đắp lên da sẽ giúp da giảm thâm, nám đáng kể.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Rau mồng tơi rất giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng tự nhiên như insulin, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và hạ đường huyết, vì vậy nó cũng là loại rau thích hợp cho những người bị bệnh tiểu đường.
3. Lưu ý khi sử dụng rau mồng tơi
Mặc dù mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng (1/2 chén rau mồng tơi sau khi nấu chín cung cấp 190% lượng vitamin A, 20% lượng sắt mà cơ thể cần) nhưng không nên lạm dụng. Đặc biệt là những người bị sỏi thận không ăn rau mồng tơi vì trong rau mồng tơi chứa lượng axit oxalic, purin cao nên ăn nhiều rau mồng tơi chuyển hóa thành axit uric, sẽ tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, tích tụ trong cơ thể dễ gây bệnh gút, sỏi thận.
Ngoài ra, những người đang bị tiêu chảy cũng không nên ăn mồng tơi. Vì người ta thường dùng rau mùng tơi làm rau ăn cho mát, thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón do mùng tơi có tính hàn lại nhuận tràng.