Thứ rau "quốc dân" mà chúng ta đang nhắc đến chính là su hào. Năm nào cũng vậy, khi thời tiết chuyển lạnh, su hào bắt đầu được thu hoạch, cây nào cây nấy đều tròn xoe, cứng cáp và ngọt thơm. Người Việt thường mua về để chế biến thành nhiều món ngon từ luộc đến kho, xào.
Su hào được mệnh danh là "thần dược" của mùa đông vì chứa vô vàn dinh dưỡng quý giá. Trong một củ su hào có chứa lượng vitamin C cực kỳ lớn (100g su hào đã chứa tới 62mg vitamin C), ngoài ra, nó còn có đặc tính chống oxy hóa mạnh, cùng các chất như phytochemicals, asisothiocyanates, sulforaphane...
Theo Đông y, su hào có tính mát, vị ngọt hơi đắng, có tác dụng hóa đờm, giải khát, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm, giúp dạ dày. Chủ yếu dùng chữa nước tiểu đục, đi ngoài ra máu, nhọt độc không rõ nguyên nhân, tỳ hư hỏa vượng, trúng phong bất tỉnh.
Ngoài sử dụng như rau ăn hàng ngày, su hào còn có thể sử dụng như một loại thảo dược chữa bệnh vặt trong nhà. Dưới đây là 7 bài thuốc từ củ su hào do lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) hướng dẫn.
7 bài thuốc trị bệnh hay từ củ su hào
1. Chữa đờm trong họng
Dùng lá su hào nấu với dầu vừng, ăn và uống cả nước.
2. Giúp tiêu mụn nhọt
Giã nát su hào, đắp vào chỗ chứa mụn hoặc vắt lấy nước uống để mụn nhanh lành.
3. Trị viêm loét hành tá tràng
Chuẩn bị 30g su hào, 30g lá bỏng. Đem 2 thứ đi giã nhỏ, thêm nước lọc, vắt lấy nước cốt uống.
4. Chữa tinh hoàn sưng to
Dùng su hào, thương lục thái lát, giã nhuyễn đắp ngoài.
5. Giảm cân hiệu quả
Củ su hào vốn chứa nước và chất xơ, ít chất béo hòa tan, không cholesterol nên là thực phẩm lý tưởng của người bị béo phì hoặc muốn giảm cân, phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ. Để giảm cân, bạn có thể ăn su hào luộc, nộm hàng ngày.
6. Chữa khô miệng
Cắt su hào thành từng miếng và giã nát, cho thêm đường và nước đun sôi, uống.
7. Trị nhọt độc
Uống nước ép su hào, còn bã thì đắp vào khu mọc nhọt sẽ giúp giảm đau, nhọt nặn nhanh hơn.
Đối tượng nào không nên ăn su hào?
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, người bị sưng tuyến giáp tuyệt đối không ăn su hào vì loại rau này có chứa hợp chất goitrogens gây sưng tuyến giáp. Ngoài ra, người bị đau dạ dày cũng cần tránh ăn su hào còn sống kẻo gây đau bụng.
Dù su hào lành tính xong không nên ăn nhiều. Theo Đông y, su hào có thể giải độc, lợi tiểu, nên khi ăn nhiều quá trình thanh lọc diễn ra quá mạnh sẽ khiến cơ thể bị hao tổn khí huyết.
Để hấp thụ được nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ su hào, bạn nên chọn những củ lành lặn, màu sắc tự nhiên, tươi, cầm chắc và nặng tay, không giập hoặc nứt vỏ, không héo úa, không có mùi vị lạ. Đặc biệt không nên chọn những củ có màu sắc láng bóng, tươi bất thường vì có thể đã được sử dụng thuốc bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng.
Khi ăn su hào, chúng ta nên ăn cả lá lẫn củ bởi lá su hào ngon và rất tốt, có tác dụng trị thực tích, đàm tích, ác sang - mụn nhọt. Nên chọn những loại lá non để ăn.