Loại rau mọc như cỏ dại nhưng cực tốt trong mùa hè
Tại Việt Nam có rất nhiều loại rau xanh có tác dụng rất tốt nhưng lại ít người sử dụng, điển hình trong số đó là rau má. Đây là loại rau có thể tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng làm thực phẩm, vị thuốc nhiều người lại coi rau má là loại cỏ dại bỏ đi vì gây mất màu đất.
Các chuyên gia đông y cho biết, toàn thân của cây rau má đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Từ rễ, thân đến lá rau má đều có thể sử dụng được. Đặc biệt, trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay, rau má là loại dược liệu, nguyên liệu làm nước giải khát, thanh nhiệt, giải độc cơ thể rất tốt.
Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình – Hà Nội) cho biết, trong đông y rau mà được coi là “sâm nam, sâm xanh” rất tốt trong cơ thể, nhất là trong ngày hè. Ngoài tác dụng là dược liệu trong những bài thuốc đông y, rau má còn bổ dưỡng đến mức có thể ăn chống đói vì trong rau có nhiều vitamin, protein…
Rau má có nhiều chất dinh dưỡng, có thể ăn chống đói trong một số điều kiện cần thiết.
Theo đó các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong 100 gram dịch chiết xuất từ rau má có đến 88.20 g nước, 3.20 g chất đạm protein, 1.80 g chất carbohydrate (mono, disaccharide), 4.5 g cellulose, 3.70 mg vitamin C, 0.15 mg vitamin B1, 2.29 mg Calcium, 2.00 mg Phospho, 3.10 mg Sắt, 1.30 mg β carotene (tiền vitamin A…).
Ngoài ra, trong rau má còn có các thành phần hóa học rất tốt cho sức khỏe như beta caroten, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, Fe, Mg, Mn, P, Kali, các loại vitamin B1, B2, B3, C và K…
Trong y học cổ truyền, lương y Hồng Minh cho biết, rau má là cây thảo, mọc bò, phân nhánh nhiều, lan rộng trên mặt đất, rễ mọc từ các mẩu của thân, lá có cuống dài từ 2-4cm ở những nhánh có mang hoa. Phiến lá hình thận, gần tròn, mép khía tao bèo, đường kính 2-4cm. Hoa tự hóa tán đơn, mọc ở nách lá gồm 1-5 hoa nhỏ, không cuống, màu trắng, quả dẹp rộng.
Rau có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc. Đặc biệt, nếu rau má thu hái vào đùng mùa, đó là mùa hè khi cây đang tràn trề nhựa sống, thân lá xanh tốt thì giá trị càng cao, có thể phơi hoặc sấy khô để dùng tùy từng mục đích.
Rau má rất tốt để giải nhiệt mùa hè.
“Vào mùa hè oi nóng, nhiều người dùng rau má để ăn sống, có thể ép lấy nước uống, hay còn gọi là sinh tố rất tốt cho cơ thể. Tác dụng trực tiếp có thể thấy khi ăn sống hoặc uống nước ép rau má đó là thanh nhiệt cho cơ thể và tốt cho thận. Đối với người bị tiểu buốt, tiểu rắt dùng nước rau má uống cũng có tác dụng làm thoái lui bệnh”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Ngoài ăn sống, rau má có thể sấy khô đun lấy nước uống giống như trà, cũng giúp làm mát cơ thể. Chất xơ trong rau cũng giúp giảm cholesterol máu, có tác dụng rất tốt với tim mạch. Do là loại rau dễ ăn, dễ tìm nên nhiều người cũng dùng rau má để chế biến thành các món ăn tốt cho gan, thận.
Dù tốt nhưng không nên quá lạm dụng
Dù có nhiều tác dụng đối với cơ thể khi sử dụng, tuy nhiên lương y Bùi Hồng Minh cũng cho rằng, khi dùng rau má cần phải hết sức lưu ý. Đối với rau má khô không nên để lâu vì dễ bị nấm, mốc gây hại cho gan và sức khỏe. Đối với rau má tươi cần phải chọn loại vừa, không nên quá non hoặc quá già. Trước khi sử dụng cần phải sơ chế sạch sẽ để tránh các tạp chất, đặc biệt là trứng giun, sán.
Không nên ăn rau má ở những nguồn đất, nước bị ô nhiễm.
Chỉ nên ăn rau má tại các nơi nguồn nước và đất không bị ô nhiễm. Không dùng rau má ở ven đường nơi có nhiều xe đi lại hay những nơi cống rãnh có chất thải để đảm bảo sức khỏe.
Những người đang bị tiêu chảy, người mắc chứng hư hàn, người huyết áp thấp không nên dùng rau má. Ngoài ra, với những người đang sử dụng thuốc tây cũng không nên sử dụng rau má đặc biệt là người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, mỡ máu. Với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cũng không nên dùng nhiều rau má, đặc biệt là uống nước rau má.
Dù có nhiều công dụng, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên dùng rau má quá nhiều. Một người bình thường các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng 40gram rau má/ngày và không nên dùng liên tục trong vòng 4 tuần.