Thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, qua phản ánh từ báo chí, nhiều chuyên gia lo ngại doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào Việt Nam. Về vấn đề này, thành phố nói rằng sẽ sớm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vài năm trở lại đây, bất động sản đang trở thành ngành dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20.6, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản là 1,32 tỉ USD. Trong số các ngành, vốn vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng 7,2%.
Tại TP.HCM, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, thành phố có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TP.HCM đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà đầu tư đang không ngừng tìm kiếm tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đang khiến doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều thách thức.