Trong một lần không kiềm chế được lúc đang du lịch tại nước ngoài, người đàn ông 40 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã dùng dịch vụ kích dục. Khi trở về nước, tâm lý của ông vẫn chưa "thoát" được cảm giác lo lắng, tội lỗi.
"Cứ nhắm mắt lại, những hình ảnh và nỗi sợ hãi lại hiện lên. Tôi lo bản thân mắc bệnh tình dục", người đàn ông thú nhận với bác sĩ.
Khi lên Internet tìm hiểu về triệu chứng, nhận thấy mình có những dấu hiệu ban đầu, ông này vội vàng xin nghỉ việc, đến một phòng khám nam khoa kiểm tra.
Người đàn ông chia sẻ có khả năng mình bị nấm sinh dục nên được phòng khám cho thuốc thoa và uống. Tuy nhiên, hết thuốc mà bệnh chưa hết, ông lại đến cơ sở nam khoa khác, tình trạng vẫn không tốt hơn.
Đến khi mất ngủ nhiều ngày vì lo lắng, người đàn ông mới đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết kết quả bình thường, không bị nấm hay các bệnh lây qua đường tình dục khác.
Dù được bác sĩ tư vấn cận kẽ, ông vẫn một mực khẳng định mình bị nấm sinh dục và yêu cầu khám lại. Lúc này, người bệnh đã mất khả năng khống chế tư duy và hành động. Ông được người nhà đưa đi điều trị rối loạn tâm thần.
Đây là một trường hợp điển hình mang sẵn tâm lý lo sợ bị bệnh, đồng thời bị "hù" bởi các phòng khám nam khoa dẫn đến rối loạn tâm thần mà ThS.BS Nguyễn Văn Học, Đơn vị Nam khoa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Khám nam khoa 7 lần rồi đi điều trị tâm thần
Một trường hợp khác là nam thanh niên gần 30 tuổi, ngụ TP.HCM, làm kỹ sư điện. Sau một buổi tiệc, anh được bạn bè rủ nên đi kích dục bằng miệng.
Sau vài ngày, vùng kín của bệnh nhân xuất hiện nhiều san thương như hạt ngọc. E ngại đến bệnh viện, nam thanh niên đã đến một phòng khám nam khoa, được chỉ định làm nhiều xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nặng, phải dùng thuốc điều trị.
Sau thời gian uống thuốc, tình trạng bệnh không thuyên giảm khiến nam thanh niên lo lắng, đi khám thêm ở 6 phòng khám nữa với hàng chục xét nghiệm, tình trạng vẫn không tốt hơn.
Trong suy nghĩ chỉ có nỗi lo mình bị bệnh, nam thanh niên mất ăn mất ngủ, không làm việc được. Trải qua thời gian suy sụp tinh thần, anh đến bệnh viện thăm khám thì được chẩn đoán bị u mềm sinh học. Bệnh này có thể chữa khỏi bằng thuốc, không nguy hiểm, không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vì quá lo lắng, người bệnh bị stress nặng, rối loạn lo lâu nên khi điều trị khỏi bệnh phải đi chữa trị rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Học, rất nhiều trường hợp đến khám không bị bệnh nghiêm trọng nhưng bị rối loạn lo âu rất nặng.
Chỉ vì phút vui nhất thời, họ lại mang ám ảnh tâm lý, mất ngủ suốt thời gian dài. Nhưng người bệnh thường có tâm lý muốn nhanh, gọn lẹ nên đến các phòng khám không uy tín, chữa trị không đúng bệnh và bị "vẽ thêm bệnh" khiến họ càng lo lắng.
Lựa chọn đúng nơi điều trị
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày, trên toàn thế giới có hơn một triệu ca bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) ở nhóm người 15-49 tuổi. Phần lớn trong số đó không có triệu chứng.
Tuy vậy, bác sĩ Học cho biết không phải ai cũng nên đi xét nghiệm, khám bệnh tình dục một cách vô tội vạ. Những người có yếu tố nguy cơ như quan hệ không an toàn, đã mắc bệnh tình dục trước đó, vợ hoặc chồng mắc bệnh... nên đi khám đúng thời điểm, tránh nguy cơ làm bỏ sót bệnh.
Bên cạnh đó, người dân cần lựa chọn những phòng khám, cơ sở điều trị bệnh lý lây truyền qua đường tình dục uy tín hoặc tại các bệnh viện có chuyên khoa này.
Nếu thăm khám ở cơ sở tư nhân, người dân nên lựa chọn các bác sĩ minh bạch về chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, kinh nghiệm làm nghề.
Để tránh tình trạng "tiền mất tật mang", người dân không nên lựa chọn cơ sở mập mờ giấy phép, bảng hiệu không thể hiện rõ chuyên môn và người chịu trách nhiệm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) các nhóm cần làm xét nghiệm bệnh tình dục gồm:
- Tất cả người có hoạt động tình dục từ 13 đến 64 tuổi nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần mỗi năm.
- Tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi nên xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia hàng năm.
- Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên thường xuyên có bạn tình mới, nhiều bạn tình hoặc bạn tình mắc STIs nên xét nghiệm bệnh lậu và Chlamydia hàng năm.
- Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm bệnh giang mai, HIV, viêm gan B và viêm gan C ngay từ đầu thai kỳ.
- Phụ nữ mang thai có nguy cơ cũng nên được xét nghiệm bệnh chlamydia và bệnh lậu ngay từ đầu thai kỳ.
- Nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, nên xét nghiệm bệnh giang mai, chlamydia và lậu, HIV
- Bất cứ ai dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy nên được xét nghiệm HIV ít nhất mỗi năm một lần.
Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở uy tín để nhanh chóng có phác đồ điều trị phù hợp.