Nổi tiếng với các phát ngôn sâu cay và câu chuyện thâm thúy về hôn nhân gia đình, mới đây, đạo diễn Lê Hoàng lại khiến cộng đồng chú ý với một bức thư của cô gái gửi chồng cũ đòi tiền nuôi con.
Trong "lá thư", một người "vợ tào khang" đã kể lại về anh chồng mình kể từ khi quen nhau, lấy nhau, và sau khi ly dị. Ở mỗi giai đoạn, thái độ của anh chồng mỗi khác. Thuở mới yêu, người chồng là "hảo hán" trong mắt cô vợ khi hễ nhắc đến chuyện tiền nong, anh lại "luôn bảo tiền bạc là việc của đàn ông, của chồng và đàn ông có chí khí phải nuôi được vợ con".
Đến khi li dị vì chồng có "vợ bé", khi toà công bố nhiệm vụ chu cấp cho con cái đến khi đủ 18 tuổi, một người đàn ông mạnh mẽ lại xuất hiện: "Anh bảo chả cần quy định, anh sẽ đóng góp, không những đóng góp tiền bạc mà còn đóng góp tâm hồn, và chả phải 18 tuổi, tới lúc con 80 tuổi anh vẫn cứ lo cho nó".
Song, chỉ được vài tháng lo lắng cho con thì bỗng dưng "tiền anh đưa đầu tiên vượt mức trần, sau đó bằng, rồi ít hơn, ít hơn nữa, và mấy tháng nay thì anh quên hẳn". Thế là cô vợ đành "mặt dày" viết thư gửi chồng để nhắc nhở. Đồng thời, cô không quên để lại lời nhắn: "Nếu như anh quá khó khăn, quá nghèo khổ, đang thất nghiệp hay đang gặp tai nạn gì thì cứ nói thẳng thắn nói cho em biết, vì toà quy định anh đóng tiền nuôi con chứ không hề phán quyết anh phải đóng thịt, đóng xương, nếu anh chả còn tiền thì mẹ con em cũng đành chịu vậy cũng như rất nhiều mẹ con khác cũng đã đành chịu vậy".
Bên dưới bài viết, nhiều người cho rằng Lê Hoàng bày tỏ quan điểm qua câu chuyện một cách thâm thúy, lại có lối viết và truyền tải khá đáo để.
THƯ CỦA MỘT CÔ GÁI GỬI CHỒNG CŨ ĐÒI TIỀN NUÔI CON
Gửi:
Anh đã từng thân yêu.
Em rất ngại phải viết cho anh lá thư này. Đã mấy năm nay rồi hai ta chả viết gì cho nhau cả. Đâu bù ngày xưa hôm nào cũng thư, hôm nào cũng nhắn tin qua tin lại tới cả trăm lần.
Tất nhiên cái gì đã qua là đã qua. Nhưng em vẫn nhớ phút giây cuối cùng ở toà, khi hai đứa cầm tờ quyết định ly hôn và bước ra cửa. Lúc ấy rõ ràng anh có hai cảm xúc và hai thái độ hiện rõ trên nét mặt (còn những cái hiện ở chỗ khác em không biết) là vừa vui vừa nghẹn ngào. Theo em quan sát, có lẽ vui nhiều hơn nhưng rõ ràng nghẹn ngào cũng không quá ít. Anh nói cám ơn em vì những gì đã qua, anh bảo anh rất buồn, anh chúc em hạnh phúc, và cuối cùng, điều này mới quan trọng, anh hứa sẽ gửi tiền nuôi con.
Gửi tiền nuôi con?
Hồi yêu anh và sau đó làm vợ anh, em không nghĩ nhiều đến tiền bạc. Chả phải em không quan tâm chuyện đó. Trái lại là khác, vì em quá biết vợ chồng không thể nhìn ánh trăng hay cầm tay nhau đi dạo phố mà sống được. Vợ chồng phải ăn, phải mặc, phải trả tiền điện và tiền xà phòng. Chưa kể tiền đổ rác hàng tháng họ luôn thu và ngày lễ, ngày Tết còn đòi thêm.
Sở dĩ em không quá quan tâm tới tiền vì hễ cứ nói tới anh thường gạt đi. Anh luôn bảo tiền bạc là việc của đàn ông, của chồng và đàn ông có chí khí phải nuôi được vợ con. Khi nói những câu ấy tuy tay anh không vung lên, mắt anh không toé lửa và chân anh không đá cao nhưng em vẫn cảm thấy đầy sức nặng vì anh có thái độ rất cương quyết và có lối diễn đạt rất trầm tĩnh, biểu hiện của một anh chồng đầy trách nhiệm và nghị lực tương lai.
Than ôi, sau khi cưới một năm, chúng ta ly dị. Lý do ly dị, may quá, cao đẹp quá, cũng chả phải vì tiền bạc, như rất nhiều đôi vợ chồng tầm thường khác, mà vì anh có bồ.
Khi lấy chồng, em đã được bạn bè và người thân cảnh báo là đàn ông rất hay có bồ, và em đã chuẩn bị tinh thần cho điều ấy khá đầy đủ. Nhưng thú thực em không ngờ anh có bồ nhanh thế, bồ anh lại trẻ thế và tham lam thế. Dù sao, em cũng không đi sâu vào chi tiết này nữa, suy cho cùng đấy không phải là mục đích để em viết thư.
Nói cách khác, em có thể chịu đựng việc anh có bồ nhưng bồ anh lại không chịu đựng nổi việc anh có vợ. Do đó, hai đứa mình phải ra toà, và em nhận phần nuôi con.
Lý do để em nuôi con thì tất cả toà án ở Việt Nam đều thuộc lòng. Đó là con còn nhỏ và đó là con cần mẹ hơn cha. Những lý do ấy nghe cũng có lý nhưng em tin rằng phần lớn toà tuyên như vậy vì quan toà thường là đàn ông, và đàn ông hay lén bênh nhau.
Nhưng cũng phải nói thành thực lúc đó em thấy nuôi con là hợp lý, em cũng muốn như thế, chưa kể con chúng ta lại là con gái rất xinh đẹp đâu có phiền phức gì.
Cùng với việc tuyên án em nuôn con, toà cũng công bố anh phải có nhiệm vụ chu cấp cho tới khi đứa bé đủ mười tám tuổi. Em còn nhớ lúc ấy anh có vẻ phẫn nộ. Anh bảo chả cần quy định, anh sẽ đóng góp, không những đóng góp tiền bạc mà còn đóng góp tâm hồn, và chả phải 18 tuổi, tới lúc con 80 tuổi anh vẫn cứ lo cho nó.
Rồi anh hùng dũng chia tay em. Như một người thuyền trưởng đầy trách nhiệm hùng dũng chia tay con tàu đang chìm.
Mấy tháng đầu tiên anh thật tuyệt vời. Anh gửi tiền, không, anh không phải gửi tiền mà đích thân đưa trực tiếp tiền. Anh còn bảo em cần gì cứ nói, anh mua sữa, mua đồ chơi, mua bánh kẹo liên tục và anh còn đến thăm bé nhiều tới mức có lúc em phát cáu, bảo hãy để cho mẹ con tôi được nghỉ ngơi.
Nhưng dân gian có câu “cuộc vui chưa tàn, vận trời đã đổi”. Anh càng ngày càng ít tới thăm, và có tới thăm thì càng ngày càng ít ở lâu. Tiền anh đưa đầu tiên vượt mức trần, sau đó bằng, rồi ít hơn, ít hơn nữa, và mấy tháng nay thì anh quên hẳn.
Em biết được điều ấy do mấy tháng nay anh không đưa nữa mà nói sẽ gửi vào tài khoản thẻ. Thẻ ATM ra đời có nhiều cái tuyệt, nhưng tuyệt hơn cả là có nó khiến thiên hạ có thể đưa tiền cho nhau mà không nhìn thấy mặt nhau.
Tháng trước em đi rút tiền mới biết anh chưa nạp vào đấy. Em đành nghĩ rằng anh quên vì hay quên cũng là đặc tính của đàn ông có tính hào sảng. Em không muốn điện thoại hay nhắn tin anh vì lâu nay chả điện thoại cho nhau bây giờ có gọi thì lại vì tiền cũng chả hay ho gì.
Nhưng lần thứ hai anh cũng không gửi và hôm nay là lần thứ ba. Đầu tiên, em cố nghĩ chắc anh không tệ như vậy, hay là hệ thống ATM trục trặc? Không hoá ra hệ thống ấy vẫn thông suốt, đừng nói một tháng một lần, nếu anh có gửi cho em một ngày trăm lần thì nó vẫn chuyển được.
Anh đã từng thân yêu,
Cuộc sống hôm nay tự nhiên lại khó khăn. Nhiều thứ cần cho người lớn, và đặc biệt, cần cho trẻ con như sữa, bột dinh dưỡng, cá, thịt đều tăng giá.
Em là một cô gái xinh đẹp, nhưng không phải quá thông minh. Em không có bằng tiến sĩ hay giáo sư mặc dù tiến sĩ hay giáo sư còn sống vất vả. Em càng không phải tổng giám đốc hay chủ tịch tập đoàn. Do đó, em có thu nhập khiêm tốn, và việc phải tự nuôi con quả là ngày một khó khăn. Do đó, em yêu cầu anh gửi tiền cho em. Không cần gửi ít, không cần gửi nhiều, không cần gửi trước, không cần gửi sau mà gửi đúng số lượng, đúng thời hạn mà toà án quy định.
Em có nghe nói ở một số quốc gia, trốn không gửi tiền trợ cấp nuôi con là phạm pháp rất nặng, có thể bị truy tố ra toà, mà cũng khó trốn vì nhà nước sẽ tự động trừ vào lương của ông bố. Em hiểu nhà nước mình quá nhiều việc, do đó thường tạo cơ hội để các ông bố tự giác, nhưng em nghĩ đã tới lúc không nên tạo quá nhiều điều kiện, đừng để các ông lạm dụng điều này.
Em cũng không phải cô gái thực dụng. Nếu như anh quá khó khăn, quá nghèo khổ, đang thất nghiệp hay đang gặp tai nạn gì thì cứ nói thẳng thắn nói cho em biết, vì toà quy định anh đóng tiền nuôi con chứ không hề phán quyết anh phải đóng thịt, đóng xương, nếu anh chả còn tiền thì mẹ con em cũng đành chịu vậy cũng như rất nhiều mẹ con khác cũng đã đành chịu vậy. Nhưng em sẽ không chịu nổi nếu như anh có tiền mà trốn, bởi như thế không xứng đáng với tư thế một người cha nói chung và một người đàn ông cũng nói chung! Chào anh, chúc anh khoẻ và hạnh phúc.
Cái máy ATM đang chờ anh suốt ngày đêm!
Lưu Ly
Lê Hoàng