Hàng loạt vụ tự tử, mẹ giết con khiến dư luận rúng động
Tại Việt Nam từng xảy ra vụ mẹ giết con 33 ngày tuổi gây rúng động dư luận. Tối 11/6/2017, chị Phan Thị Trinh (20 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) đặt con nằm trên giường phía sát tường rồi đi ngủ. Khoảng 2 giờ sáng, Trinh tỉnh dậy với cơn đau đầu và cảm giác "như có ai nhập vào khiến người mất kiểm soát". Bế con ra cầu thang, nhìn thấy chậu nước hàng ngày tắm cho con đầy nước, Trinh liền thả bé vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống đáy. Sau đó, Trinh tiếp tục lên phòng ngủ cho đến khi ông Lăng (bố chồng Trinh) phát hiện sự việc và hô hoán. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm nhiều khả năng do Trinh mắc bệnh trầm cảm nặng.
Mới đây nhất là vụ thai phụ 7 tháng tên Uyên, 32 tuổi, quê ở TP.Phủ Lý (Hà Nam) nhảy lầu tự tử từ tầng 16 của tòa nhà CT4, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông Hà Nội. Nạn nhân đang mang thai ở tháng thứ 7. Theo lời hàng xóm, thai phụ có biểu hiện trầm cảm, tâm lý không bình thường vì chồng đi làm suốt ngày.
Tháng 8/2017, bà nội trợ họ Li, 27 tuổi đã ôm con trai 5 tuổi nhảy lầu tự tử từ tầng 24 của tòa chung cư thuộc Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Sự việc khiến gia đình và hàng xóm vô cùng đau xót, ngỡ ngàng. Chị Li đã sống chung với căn bệnh trầm cảm kể từ khi con trai ra đời.
Trang Ifeng đưa tin, ngày 7/9/2017 tại quận Thiên Kiều, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), một bà mẹ trẻ đã uống thuốc độc tự tử cùng con gái 9 tháng tuổi khi chồng vắng nhà. Nguyên nhân cũng được xác nhận là do trầm cảm sau sinh.
Trước đó vào ngày 3/5/2015, vì chứng trầm cảm, người mẹ họ Lưu, 23 tuổi ở Tứ Xuyên cũng ra tay dìm chết con trai mới 18 ngày tuổi trong nhà vệ sinh. Năm 2013, một người phụ nữ họ Phan ở tỉnh Chiết Giang cũng tự tay bóp mũi con trai 2 tháng tuổi đến chết vì tâm lý không ổn định từ khi bắt đầu mang thai.
Những sự việc thương tâm do bệnh trầm cảm liên tục xảy ra khiến dư luận đau xót tự hỏi, nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm
Trầm cảm có thể xảy ra khi mang thai hoặc sau sinh nở. Thời điểm này người phụ nữ dễ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi tâm sinh lý do hormone, áp lực trong chuyện nuôi con và quán xuyến việc nhà, mặc cảm vì thay đổi ngoại hình. Từ đó khiến họ cảm thấy bị cô lập và bỏ rơi, thấy có lỗi với chồng con và không còn cảm giác gắn kết với gia đình. Vì trạng thái tâm lý bất bình thường, một số phụ nữ đã làm hại chính mình và con nhỏ trong trạng thái vô thức, không thể làm chủ được hành động của bản thân.
Nhà xã hội học Zhou Yun (tốt nghiệp Đại học Harvard và hiện đang làm nghiên cứu về vấn đề dân số ở Đại học Brown) đã lý giải tại sao phụ nữ Châu Á có tỷ lệ trầm cảm cao hơn những nơi khác. Nguyên nhân chủ yếu vì họ chịu áp lực quá nặng nề từ quan niệm "giỏi việc nước đảm việc nhà". Sau thời gian làm việc ngoài xã hội, họ về nhà và tất bật nấu bữa tối, chăm con, dọn dẹp. Toàn những việc không tên khiến phụ nữ chẳng còn thời gian chăm sóc và giải tỏa căng thẳng cho bản thân. Trong khi đó, đàn ông chỉ cần giỏi kiếm tiền là đủ. Nếu ông chồng nào chăm con và đỡ đần vợ việc nhà sẽ được coi là "chia sẻ, giúp đỡ", còn nếu không làm thì cũng được coi là điều bình thường.
Theo Thời Đại, một nguyên nhân khác nữa được Ji Longmei - bác sĩ tư vấn tâm lý kì cựu tại Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Tâm thần Shanghai Soul Garden đưa ra là phong tục ở cữ của người Châu Á. Trong 3 tháng đầu sinh con, phụ nữ không được đụng nước lạnh, tránh gió máy và hạn chế ra đường. Điều này gây ảnh hưởng tâm lý và dễ dẫn đến căn bệnh trầm cảm vì phụ nữ bị nhốt ở nhà cả ngày làm bạn với bốn bức tường. Vì vậy, người nhà nên đưa sản phụ đi ra ngoài tận hưởng ánh nắng mặt trời buổi sớm, vận động nhẹ nhàng và trò chuyện, tâm sự với họ nhiều hơn.
Ngoài ra, khi thấy sản phụ có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, thay vì đổ lỗi hay trách móc các bà mẹ trẻ, gia đình hãy giúp họ được thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần trong quá trình nuôi con. Người phụ nữ khi mang thai và sau sinh có tâm lý cực kỳ nhạy cảm nên cần sự động viên, quan tâm rất lớn từ phía gia đình.