Cuối tháng 8, L.T.N. (cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) bị Công an TP Thanh Hóa điều tra với cáo buộc hành hung một phụ nữ khiến nạn nhân bị dập xương mũi, gãy xương hàm rạng sáng 22/8.
N. và nạn nhân có quan hệ tình cảm khoảng 2 năm. Người này giải thích "vì quá yêu và ghen tuông" nên đã đánh đập bạn tình, thậm chí dọa giết người thân của nạn nhân.
Tháng 10/2021, Nguyễn Văn Tùng (trú huyện Thường Tín, Hà Nội) bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình sau khi sát hại người tình, chị L.T.L.
Tùng khai lý do gây án "vì quá yêu nên không làm chủ được hành vi". Trước đó, người này từng dọa giết bạn gái và cả gia đình cô khi nạn nhân đề cập chuyện chia tay.
"Vì quá yêu" trở thành lời biện minh được hung thủ lặp đi lặp lại nhằm giảm nhẹ tội ác của mình. Nạn nhân hầu hết là phụ nữ nhiều lần chịu cảnh lạm dụng, bị đe dọa khi tìm cách thoát khỏi người tình bạo lực.
Nghiên cứu năm 2021 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở phân biệt giới, với ước tính số nạn nhân là 18.600.
Khoảng 47.000 phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới đã bị sát hại bởi bạn đời, bạn tình hoặc các thành viên thân thiết trong gia đình vào năm 2020.
Phần nổi của tảng băng chìm
Các số liệu thống kê về bạo lực gia đình, bạo lực giới có xu hướng giảm trong đại dịch, song theo các chuyên gia, số liệu chỉ mới phản ánh "phần nổi của tảng băng chìm".
Ngày đầu tiên của năm 2022, cảnh sát ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp đã tìm thấy thi thể của một phụ nữ 45 tuổi trong cốp ôtô, sau khi người chồng thú nhận đã bóp cổ cô.
Cùng ngày, cảnh sát vùng Meurthe-et-Moselle, miền Đông nước này đã tìm thấy thi thể một phụ nữ 56 tuổi với nhiều vết thương ở ngực. Người tình của cô, người đàn ông khoảng 50 tuổi, thừa nhận đã giết nạn nhân sau cuộc cãi vã.
Vài giờ sau, một phụ nữ 27 tuổi được tìm thấy với những vết đâm chí mạng bên ngoài nhà riêng ở một thị trấn gần Saumur, miền Tây nước Pháp. Nghi phạm là bạn trai của nạn nhân.
Ba vụ giết người diễn ra trong vòng chưa đầy 24 tiếng làm rúng động nước Pháp. Nạn nhân đều là phụ nữ và hung thủ không ai khác chính là người yêu/bạn đời của họ. Các nhà hoạt động xã hội đã phê phán chính phủ Pháp không hành động đủ quyết liệt để ngăn chặn bạo lực nhằm vào nữ giới.
Nhóm nữ quyền Nous Toutes chỉ trích "sự im lặng của Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ Pháp trước nạn phân biệt giới tính và bạo lực tình dục ở Pháp".
"Đây đã là năm 2022, không còn thời gian để than thở, đã đến lúc hành động. Lẽ ra, những vụ sát hại phụ nữ này có thể tránh được. Ba người phụ nữ bị giết trong 24 giờ và phản ứng duy nhất của họ là tổ chức một cuộc họp ít ngày sau đó".
Marylie Breuil, thành viên Nous Toutes, nói thêm gần 2/3 nạn nhân đã trình báo với cảnh sát khi bị lạm dụng, đồng thời cho rằng những vụ giết người chưa phản ánh toàn bộ bối cảnh phức tạp của bạo hành gia đình ở nước Pháp.
Theo nhóm vận động của Pháp Féminicides par compagnons ou ex, chỉ riêng trong năm 2021, 113 phụ nữ đã bị sát hại bởi những người đàn ông, trong đó hầu hết là người yêu/người yêu cũ của họ. Còn năm 2020, ít nhất 102 phụ nữ tại Pháp bị bạn đời giết hại. Số liệu năm 2019 về các vụ tương tự là 146.
Lãng mạn hóa tội ác
Pháp chỉ là một trong số rất nhiều quốc gia đang vật lộn với "đại dịch bạo lực đối với phụ nữ". Covid-19 khiến phụ nữ bị nhốt ở nhà với những kẻ bạo hành, gia tăng áp lực tài chính đối với nhiều người và hạn chế tiếp cận hỗ trợ.
Trên khắp thế giới, các trường hợp bạo lực đối với nữ giới đang gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng.
Tại Hy Lạp, nơi có 17 vụ giết phụ nữ được ghi nhận vào năm 2021 theo đài truyền hình ERT, chính phủ đã bị chỉ trích vì từ chối sửa đổi các điều luật liên quan.
Tháng 11 năm ngoái, sau khi một phụ nữ 48 tuổi bị chồng đâm 23 nhát ở Thessaloniki, lãnh đạo phe đối lập Alexis Tsipras đã đăng trên Facebook: "Không nên có tranh chấp chính trị khi chúng ta phải trải qua những tác động của bạo lực giới hàng ngày".
Ở Anh, sau vụ bắt cóc và sát hại Sarah Everard vào tháng 3/2021 bởi một nam cảnh sát, các nhà hoạt động đã chỉ trích "chính sách lầm lạc" của chính phủ đối với bạo lực giới.
Số liệu của cảnh sát Italy công bố vào tháng 11/2021 cho thấy có khoảng 90 vụ bạo hành phụ nữ ở nước này mỗi ngày và 62% là bạo lực gia đình.
Nghiên cứu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy gần 40% phụ nữ đã phải chịu bạo lực về thể chất hoặc tình dục trong đời.
Theo thống kê của cảnh sát Hàn Quốc, trong ba năm qua, hơn 30.000 người ở nước này đã bị buộc tội bạo lực với bạn đời của họ, trong đó có khoảng 7.000 vụ liên quan đến hành vi bạo lực thể xác, 84 vụ tấn công tình dục và 10 vụ giết người.
Theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện năm 2018, 9/10 phụ nữ sống ở Seoul cho biết đã bị bạn tình nam lạm dụng và gây tổn thương, cả về thể chất hoặc tâm lý.
Trong một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc vào năm 2013, một nửa trong số 1.000 nam giới Trung Quốc thừa nhận từng bạo lực thể xác hoặc tình dục đối với bạn đời.
Theo Lea Lejeune, thành viên nhóm nữ nhà báo Prenons La Une, khái niệm "crime passionnel" (hay crime of passion) - tội phạm bạo lực, đặc biệt là giết người được hung thủ thực hiện trong lúc giận dữ, không lên kế hoạch trước - đang khiến vấn đề bạo lực giới bị hiểu sai.
"Các nhà báo đã lãng mạn hóa các vụ giết người theo cách: 'Vì quá yêu nên họ mới giết người'. Các tiêu đề giật gân khiến thông điệp bị hiểu sai", Lejeune nói.
Trong 2 năm qua, tờ nhật báo Liberation đã tiến hành thống kê các vụ giết người từ tháng 1 năm 2017 trở đi.
Gurvan Kristanadjaja, thành viên của đội điều tra, cảnh báo các nhà báo sẽ rơi vào bẫy nếu cố biến tấu câu chuyện theo hướng "câu view".
"Trong một số bài báo bạn có thể đọc: 'Anh ta giết vợ mình vì không muốn cô ấy ra đi'. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Một lần nữa, nó biện minh cho tính chiếm hữu", Kristanadjaja nói.