Chị em tìm cách né chu kỳ đèn đỏ
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh – 31 tuổi, Hà Nội cầu cứu các chị em phụ nữ trong hội mẹ bỉm sữa làm sao để ngày đèn đỏ không rơi vào ngày Tết. Chị Quỳnh kể chu kỳ kinh nguyệt của chị rất đều và hầu như năm nào cũng rơi vào trước hoặc sau Tết. Năm nay, chị Quỳnh tính có thể “dính” ngay vào ngày Tết.
Chị Quỳnh than thở lượng kinh nguyệt của chị Quỳnh nhiều, ngày Tết nếu đèn đỏ thì chỉ ăn và thay giặt chứ không đi chơi ở đâu được. Không chỉ nhiều, chị Quỳnh còn khổ sở vì đến tháng là đau lưng, đau bụng. Năm ngoái, chị Quỳnh “dính” vào mùng 3 Tết và chỉ ở nhà ôm bụng và thay giặt cũng hết.
Gia đình chị Quỳnh phải đi về quê ngày 2 nên đến ngày này, chị Quỳnh rất lo lắng. Chị Quỳnh ra hiệu thuốc mua được nhân viên nhà thuốc tư vấn uống thuốc tránh thai để đình chỉ ngày đèn đỏ lại.
Tuy nhiên, trường hợp của chị Vũ Thị Thu Hà – Hà Đông, Hà Nội kể cho các mẹ nghe thì ai cũng cười rơi nước mắt. Chị Hà kể năm ngoái, chị nhìn lịch cũng lo lắng ngày đèn đỏ sẽ rơi vào ngày Tết. Vợ chồng chị Hà và con cái không ăn Tết ở Hà Nội mà về quê nội ở Nghệ An và quê ngoại ở Ninh Bình nên Tết việc di chuyển nhiều, dính đèn đỏ là rất mệt.
Chị Hà liền ra nhà thuốc mua thuốc đình chỉ kinh nguyệt về uống. Chị Hà ung dung đã đình chỉ thì kinh nguyệt không gõ cửa ngày Tết. Đến sáng mùng 1 Tết, thấy bụng dưới nặng đau như cảm giác đến tháng. Chị Hà nhớn nhát đi mua băng vệ sinh nhưng mùng 1 Tết không có ai bán và phải nhắn tin cầu cứu cô em chồng kiếm ở nhà có không mang sang cho. Tuy nhiên, cô em chồng đang mang thai không giữ ở nhà và sáng đầu năm gọi nhiều để gom xin băng vệ sinh dùng.
Điều chị Hà thấy khổ nhất đó là kỳ kinh nguyệt rong tới 10 ngày liền. Bình thường, chu kỳ của chị Hà chỉ kéo dài 3 ngày nhưng do uống thuốc đình chỉ kinh nguyệt mà lại kéo dài lên tới 10 ngày.
Có kịp đình chỉ sát tết?
TS Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Trưởng phòng khám Phụ Sản - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2) cho biết đình chỉ kinh nguyệt hay còn gọi là “dịch chuyển ngày kinh nguyệt” là mong muốn thường gặp nhất của nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong dịp Tết.
Đối với những chị em phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày đường uống (thuốc tránh thai phối hợp) thì việc dời ngày kinh có thể nói là khá thuận tiện. Thông thường, chị em phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày loại 21 viên và 28 viên. Nếu bạn đang uống thuốc tránh thai loại 21 viên, thay vì nghỉ 7 ngày, chị em sẽ không nghỉ uống thuốc mà tiếp tục mua ngay một vĩ thuốc cùng loại và uống tiếp theo.
Nếu bạn đang dùng loại vỉ 28 viên (thông thường vỉ này gồm có 21 viên đầu tiên chứa thuốc nội tiết và 7 viên sau cùng chứa các vitamin có màu khác với 21 viên kia), khi bạn uống hết 21 viên đầu tiên, bạn bỏ qua 7 viên khác màu mà mua tiếp một vỉ thuốc tránh thai cùng loại và tiếp tục uống mỗi ngày một viên. Khi nào bạn muốn có kinh trở lại, bạn chỉ việc ngừng uống thuốc thì sau 3 - 5 ngày kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.
Trường hợp bạn không đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày đường uống và bạn không có sinh hoạt vợ chồng trong tháng này hoặc có sinh hoạt vợ chồng nhưng có sử dụng biện pháp tránh thai khác (an toàn không có thai) thì bạn có thể uống viên tránh thai vào thời điểm trước có kinh sắp đến ít nhất 2 tuần (có thể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt tháng thước), mỗi ngày uống 1 viên loại vỉ 21 viên và uống liên tục cho đến khi bạn muốn có kinh trở lại thì chỉ việc ngưng thuốc. Sau 3-5 ngày, kinh nguyệt sẽ quay trở lại như bình thường.
Thuốc tránh thai khẩn cấp không có tác dụng điều chỉnh dời ngày kinh nguyệt mà chỉ gây ra tình trạng ra huyết bất thường– bác sĩ Trung cho biết.
Còn trường hợp nhiều chị em phụ nữ đến sát Tết mới chợt nhớ ra là có thể chu kỳ đèn đỏ vào dịp Tết thì đình chỉ kinh nguyệt (hay dời ngày kinh nguyệt) sẽ không phải lúc nào cũng có hiệu quả bằng các loại thuốc tránh thai.
Việc xử trí lúc này tùy thuộc vào người phụ nữ có sinh hoạt vợ chồng trong chu kỳ này hay không, các phương pháp tránh thai đã sử dụng, khả năng có thai trong tháng này nếu có sinh hoạt vợ chồng nhưng không tránh thai. Lúc này, chị em phụ nữ cần đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa phụ sản.
Qua việc hỏi các thông tin về bệnh sử, các phương pháp tránh thai đã sử dụng trong chu kỳ này, mong muốn có thai của người phụ nữ ở thời điểm hiện tại, độ dày niêm mạc tử cung, hình ảnh niêm mạc tử cung trên siêu âm mà người BS sẽ tư vấn có nên sử dụng các phương pháp đình chỉ (di dời) ngày kinh hay không, sử dụng thuốc gì để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi (nếu lỡ có thai trong chu kỳ này).
Tiến sĩ Hữu Trung cũng khuyến cáo việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày đường uống để đình chỉ kinh nguyệt (di dời ngày kinh) trong giai đoạn khẩn cấp (quá sát ngày ra kinh sắp đến) kiểu như thế này nên hạn chế sử dụng vì thường phải sử dụng thuốc nội tiết liều cao hơn so với những trường hợp được chủ động trước.