Bác sĩ Đinh Thúy Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đa số các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ cần phải phẫu thuật sau sinh, nhiều bệnh lý tim bẩm sinh nặng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ở nhiều chuyên ngành trong hồi sức, cấp cứu trẻ ngay sau sinh. Vì vậy siêu âm sàng lọc, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh ngay trong thời kỳ bào thai đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo các bác sĩ hiện nay trong các bất thường bẩm sinh ở trẻ thì tim bẩm sinh là một trong các bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện cao nhất (khoảng 1%), ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.
“Để phát hiện các dị tật tim bẩm sinh cần thực hiện siêu âm 4D ở quý 2 của thai kỳ khi tuổi thai từ 21 – 24 tuần. Hiện nay tại những cơ sở sản khoa với trang thiết bị máy móc tốt và các bác sĩ được đào tạo bài bản, thì dị tật tim bẩm sinh bắt đầu có thể sàng lọc và phát hiện ở tuổi thai 18 tuần”, bác sĩ Đinh Thúy Linh cho biết thêm.
Tuy nhiên, từ góc độ bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lan – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bệnh lý tim bẩm sinh là những bệnh lý phức tạp, siêu âm trước sinh hiện nay chỉ có thể phát hiện từ 60 -80% các bệnh lý này. Sau sinh trẻ cần được kiểm tra sức khoẻ và làm thêm các sàng lọc để tránh bỏ sót các bệnh lý tim bẩm sinh.
Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi. Theo đó, 3 thời điểm vàng để siêu âm, lần thứ nhất khi tuổi thai từ 12 – 14 tuần (12 tuần); lần thứ hai từ 21 – 24 tuần (22 tuần) và lần thứ ba, từ 28 – 32 tuần (32 tuần).
Tiến sĩ Trương Thanh Hương, Trưởng Phòng C5 Tim mạch nhi, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các dị tật tim hay gặp ở trẻ như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, hẹp van động mạch phổi, không lỗ van ba lá, tứ chứng Fallot… Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm nhưng hầu hết nếu được can thiệp sớm sẽ chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội trở lại với cuộc sống khỏe mạnh.
Theo tiến sĩ Hương, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở trẻ mắc tim bẩm sinh là cơ thể còi cọc, thể chất kém, chậm lớn. Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ bị các dị tật tim bẩm sinh cao hơn. Bé sinh bình thường dễ phát hiện sớm bệnh nhờ một vài biểu hiện ban đầu.
Chẳng hạn, trẻ khi bú hay khóc kèm theo biểu hiện khó thở, hoặc chỉ bú được chốc lát là rời vú mẹ, thở nhanh hổn hển, cánh mũi phập phồng nhanh mạnh, cằn nhằn, cáu gắt thì mẹ cũng cần để ý. Ngoài ra trẻ có thể bị tím môi khi bú hoặc khóc. Lớn hơn chút nữa thì bị viêm phổi hoặc chậm lớn.