Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, hội chị em lại rục rịch đi làm đẹp. Làm nails (làm móng) đón Tết là một trong những dịch vụ vô cùng hút khách vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp sang trọng, những bộ móng này được che phủ bởi những sản phẩm sơn chứa một chất "kịch độc", nếu hít phải với lượng lớn thì rất nguy hiểm. Đó chính là lưu huỳnh. Chính vì vậy, chị em cần hết sức cẩn trọng khi muốn đi làm đẹp để sở hữu bộ móng tay, móng chân sang chảnh, thời thượng.
Lưu huỳnh chủ yếu được sử dụng cho những mẫu móng đính đá, vẽ họa tiết, đắp bột hoa để giúp móng đẹp hơn. Vì thế, sau khi sơn gel trơn xong và khô lớp sơn sẽ sử dụng lưu huỳnh để tạo phom cho móng bột, đắp hoa bột lên móng. Ngoài ra lưu huỳnh giúp các viên đá được liên kết, dính chặt vào lớp sơn móng tay, hạn chế bong tróc, rơi đá.
Chỉ cần dạo một vòng trên mạng xã hội Facebook, chị em sẽ thấy vô số những quảng cáo làm nails đón Tết với đủ mẫu mã, hình dạng bắt mắt. Lúc này, chị em càng nên cẩn trọng hơn để đảm bảo làm đẹp không lo hít phải lưu huỳnh quá mức cho phép.
Rất nhiều quảng cáo làm nails trên trang cá nhân cũng như hội nhóm ở Facebook trong thời gian này. (Ảnh chụp màn hình)
Hít phải lưu huỳnh khi làm nails có thể gây hại sức khỏe thế nào?
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), lưu huỳnh là một phi kim phổ biến, không mùi, không vị và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Người ta có thể sử dụng lưu huỳnh để làm chín dược liệu và diệt nấm mốc hay sử dụng trong phân bón, chế biến thuốc súng, diêm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm.
Ở hàm lượng ít, lưu huỳnh không làm ảnh hưởng đến người sử dụng nhưng khi lạm dụng, chúng có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Ở điều kiện thường, lưu huỳnh tồn tại ở thể rắn nhưng khi đốt chúng lên sẽ sinh ra lưu huỳnh dioxit (SO2) và các hạt mịn lơ lửng trong không khí. Trong khi đó, SO2 là một khí độc, có tính oxy hóa mạnh và dễ dàng gây hại cho thực vật, động vật, con người khi tiếp xúc với chúng.
Chính vì vậy, khi ngửi mùi lưu huỳnh đốt, con người sẽ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng, việc ngửi mùi lưu huỳnh nguyên chất ở mức độ nhiều cũng có thể gây độc cho đường hô hấp.
Trong quá trình làm nails, người làm móng cũng như khách hàng được làm móng khó tránh khỏi nguy cơ chạm cũng như hít phải loại hóa chất này. Nếu ở trong ngưỡng cho phép cùng việc đảm bảo quy trình tiếp xúc thì không sao. Nhưng nếu vượt ra khỏi khuôn khổ cho phép sẽ nguy hại sức khỏe.
Người tiếp xúc với lưu huỳnh trong quá trình làm nails dễ mắc các bệnh viêm da dị ứng, đau đầu, ngạt mũi, khó thở, nặng hơn là viêm phế quản, ngộ độc máu, thậm chí tử vong.
Mặc dù vậy, việc sử dụng lưu huỳnh ở hàm lượng ít hoặc vừa phải sẽ không gây độc cho cơ thể. Nói chung, nếu dùng có mức độ, tránh lạm dụng, bạn sẽ có bộ móng đẹp và không lo ảnh hưởng sức khỏe.
Những việc cần làm để hạn chế tối đa nguy cơ hít phải lưu huỳnh khi làm móng
Đối với người làm nghề nails
- Đeo găng tay cao su khi pha chế lưu huỳnh làm đẹp móng cho khách.
- Đeo khẩu trang kháng khuẩn liên tục trong quá trình làm việc.
- Sau khi làm xong cần tháo bỏ găng tay, khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đầy đủ, sạch sẽ.
Mặc dù những điều trên là cần thiết nhưng thực tế nhiều người hành nghề nails nhận định trang phục kiểu này khá vướng víu nên vẫn không tuân thủ đúng.
Đối với chị em đi làm nails
- Đeo khẩu trang kháng khuẩn trong suốt quá trình làm nails.
- Tuyệt đối không nên ăn uống trong lúc làm nails để tránh nguy cơ khí độc xâm nhập vào cơ thể.
- Không nên làm nails liên tục để tránh tiếp xúc lưu huỳnh quá thường xuyên.
- Phụ nữ có thai, cho con bú tốt nhất tránh tiếp xúc trực tiếp với lưu huỳnh, chưa nên làm móng khi đang ở trong những giai đoạn này.