Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu hội trường Bộ Công an. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội nghị.
Về phía điểm cầu Công an thành phố Hà Nội, dự và chỉ đạo có Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP.
Nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ trẻ em
Khai mạc Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhìn nhận: “Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có nhiều biến động và thay đổi như bạo hành trẻ em, mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, mối quan hệ nội bộ xã hội… từ đó nảy sinh nhiều vấn đề, phát sinh các vụ án mạng liên quan đến trẻ em, trẻ chưa thành niên cho thấy những cảnh báo xã hội trong tình hình mới.
Mặc dù 2 năm vừa qua, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, thực hiện nhiều chương trình hợp tác hỗ trợ đối với trẻ em, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, dẫn tới tỷ lệ trẻ em bị xâm hại giảm, song vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.
Mong tại hội nghị này, các đơn vị trình bày rõ và đánh giá cụ thể tình trạng trẻ em bị xâm hại và trẻ chưa thành niên phạm tội, so sánh với trước năm 2019 và từ năm 2022 trở về đây để nhận định và thảo luận, phân tích nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp sát hợp với tình hình thực tế”.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, cần nhìn vào thực tế rằng, các hành vi, thủ đoạn đã khác so với trước, vậy khuôn khổ pháp luật như thế nào để đối phó với tình trạng này?... Làm sao để nếu xảy ra thì phải điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, không bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Theo số liệu thống kê, trong 2 năm qua, toàn quốc phát hiện 3.748 vụ với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em. So với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 220 vụ (tương đương 5,5%), với 218 trẻ em (tương đương 5,3%). Cụ thể: xảy ra 1.193 vụ hiếp dâm trẻ em, bắt giữ 1.260 đối tượng, xâm hại 1.218 trẻ em; 29 vụ cưỡng dâm trẻ em, bắt giữ 30 đối tượng, 29 trẻ em bị xâm hại; 1.362 vụ giao cấu với trẻ em, bắt 1.369 đối tượng, 1.364 trẻ em bị xâm hại; 487 vụ dâm ô với trẻ em, bắt 487 đối tượng, 494 trẻ em bị xâm hại; 4 vụ liên quan đến việc sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, bắt giữ 4 đối tượng, 4 trẻ em bị xâm hại… Ngoài ra, còn nhiều hành vi được thống kê rất rõ như giết trẻ em; giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ; cố ý gây thương tích với trẻ em; hành hạ trẻ em; ngược đãi trẻ em; mua bán trẻ em; chiếm đoạt trẻ em; bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản và nhiều hành vi khác…
Cũng theo số liệu cho thấy, toàn quốc phát hiện 8.227 vụ với 16.649 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó có 15.568 đối tượng là nam giới và 1.081 đối tượng là nữ giới. So sánh với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 200 vụ (tương đương 2,4%).
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phân tích: "Số liệu trên giảm trong 2 năm qua có thể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chưa thể coi là con số chính xác phản ánh thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại, hoặc trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em và trẻ chưa thành niên phạm tội đa phần xuất phát từ môi trường sống; áp lực kinh tế của mỗi gia đình khiến cha mẹ lơ là việc quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục con em; gia đình và nạn nhân là trẻ em bị xâm hại còn mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình nên không tố giác tội phạm, dẫn tới việc sót lọt tội phạm ngoài xã hội;
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các vùng miền cũng có sự chênh lệch. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, cướp vợ… cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ em bị xâm hại".
Cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ trẻ em
Căn cứ tình hình thực tiễn, các giải pháp phối hợp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng xã hội đã được các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo KH506 khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, để sát thực với tình hình thực tế từng địa bàn, Ban chỉ đạo các địa phương đã tham mưu UBND các tỉnh ban hành Quyết định về quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Ban chỉ đạo KH506 cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại và mua bán, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại, Bộ Công an xác định, công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình phòng ngừa là giải pháp cơ bản trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Do vậy, Ban chỉ đạo KH506 Trung ương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, chăm sóc, hướng dẫn trẻ em nhận biết nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng bảo vệ bản thân.
Ban chỉ đạo KH506 các địa phương, chủ công là lực lượng Công an phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các chương trình, hội nghị phổ biến phương thức, thủ đoạn xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án, góp phần tích cực vào việc kiềm chế tội phạm xâm hại trẻ em.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, Công an Thủ đô đánh giá vấn nạn xâm hại trẻ em là vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, do đó, việc tổ chức hội nghị này là rất cấp thiết.
Trong 2 năm 2021-2022, CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, giải quyết 229 vụ với 281 đối tượng có hành vi xâm hại 240 trẻ em. Qua các vụ việc cho thấy, các vụ xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu vào hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu đối tượng phạm tội là nam giới. Thủ đoạn mà các đối tượng xâm hại trẻ em sử dụng thường là thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò, kết bạn như Facebook, Zalo, Tinder… để làm quen, gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, một số thủ đoạn khác như dùng vũ lực ép buộc, vật chất để lừa gạt hoặc dùng chất kích thích… Nạn nhân thường là trẻ em từ 13-16 tuổi, 6 - dưới 13 tuổi và cá biệt có 12 trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi.
Bên cạnh việc tham luận về các biện pháp, giải pháp trong thời gian tới, Đại tá Dương Đức Hải kiến nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên các mạng xã hội, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng rộng trong giới trẻ… để phòng ngừa các nội dung xấu, những hành vi tiêu cực, cổ súy cho tư tưởng sai trái, lối sống lệch lạc, bạo lực, đồi trụy;
Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào các chương trình học tập với các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục trẻ em kiến thức, nhận thức nhất định, cảnh giác với hành vi xâm hại trẻ em, hướng dẫn trẻ em có kỹ năng tự phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân, giáo dục pháp luật về an ninh trật tự, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ em.
Đại diện lãnh đạo Công an một số tỉnh, thành phố cũng tham luận nhiều vấn đề liên quan đến sự kiên quyết phát hiện, đấu tranh và không bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm vị thành niên, đồng thời đưa ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa hữu hiệu trong tình hình hiện nay...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo KH506 các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tổ chức các chương trình, hội nghị nhằm nhận diện tội phạm xâm hại trẻ em, đồng thời nâng cao kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ, đặc biệt trên không gian mạng, góp phần đảm bảo TTATXH và xây dựng thế hệ mầm non tương lai của đất nước phát triển toàn diện, an toàn hơn, đồng thời kéo giảm các vụ phạm pháp liên quan đến trẻ em và trẻ chưa thành niên trong tình hình mới.
Ghi nhận các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện xuất sắc Kế hoạch 506 trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 13 cá nhân.