Tha thứ cho việc ngoại tình có hai kiểu. Kiểu thứ nhất đó là chủ động, cam tâm tình nguyện tha thứ cho người kia. Còn kiểu thứ hai là bị động tha thứ, buộc phải tha thứ cho kẻ ngoại tình.
Ở kiểu thứ nhất, điều kiện tiên quyết là kẻ ngoại tình phải nhận biết được mình sai và muốn thay đổi. Điều quan trọng là sau khi chuyện ngoại tình xảy ra, bạn nhận thấy hành động của người kia có thể tha thứ và đáng được tha thứ thì hãy làm. Bạn không nên nhắc đi nhắc lại chuyện này và cũng đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện ly hôn.
Kiểu tha thứ thứ hai phức tạp hơn rất nhiều và được chia ra làm ba trường hợp nhỏ khác nhau:
Trường hợp thứ nhất, đối phương không muốn tiếp tục sống với bạn nữa, nhưng bạn vẫn muốn níu kéo và lấy lý do tha thứ làm điều kiện để người kia quay về. Kiểu này thì không thể gọi là tha thứ được.
Trường hợp thứ hai, đó là trong lòng bạn không hề muốn tha thứ nhưng không còn cách nào khác, bạn không thể chấp nhận chuyện ly hôn. Cuộc sống hôn nhân trong trường hợp này chắc chắn vô cùng đau khổ, vì bạn tự ép bản thân mình phải tha thứ. Nhưng kiểu tha thứ này không phải là cam tâm tình nguyện, vì thế bạn luôn sống gượng ép.
Trường hợp thứ ba, đó là lý trí và tình cảm của bạn đều cho rằng nên tha thứ nhưng bạn không thể. Đối với những người không biết khoan dung và sức chịu đựng kém thì chuyện tha thứ dường như là không thể.
Bất kể nằm trong trường hợp nào, bạn chưa thể hoàn toàn chấp nhận việc bị phản bội hoặc chưa thể tháo gỡ được nút thắt này. Bạn đang cố gắng dồn ép hoặc muốn thoát khỏi thực tại nội tâm của mình. Khi xảy ra chuyện ngoại tình, phản ứng bản năng của bạn chính là muốn níu kéo con người đó. Nhưng điều quan trọng nhất là người đó có muốn quay trở về bên bạn hay không?
Tha thứ cho việc phản bội cần có dũng khí và khoan dung. Tha thứ chính là một loại "năng lực". Nếu không có năng lực này, bạn sẽ không thể nào hóa giải được nút thắt trong tâm mình. Bạn chỉ có hai lựa chọn, một là ly hôn kết thúc mọi đau khổ, hai là tha thứ và chấp nhận sự không hoàn chỉnh của hôn nhân.