Các bà mẹ hiếm khi thừa nhận rằng đằng sau những bức ảnh hạnh phúc, những lời tâm sự ngọt ngào về con trên mạng xã hội, có những ngày thật nhàm chán, mệt mỏi, cáu kỉnh vì con. Con la hét, mọi thứ trở thành một thứ hỗn độn… là những áp lực mà người phụ nữ làm mẹ phải trải qua.
Dưới đây là những lời khuyên, không phải trong việc nuôi dạy con cái như thế nào mà là cách để giúp các bà mẹ vượt qua những stress, căng thẳng trong quá trình nuôi con. Hãy chú ý đến cảm xúc và cơ thể của mình, đừng để mọi thứ đi quá ngưỡng chịu đựng:
Khi một đứa trẻ được sinh ra, mọi cha mẹ đều cảm thấy cuộc sống của họ mất kiểm soát. Ví dụ đơn giản, bạn đang tắm nhưng đúng lúc đó thì con bạn dậy và bắt đầu khóc. Dĩ nhiên, việc như thế cũng chẳng có gì quá ghê gớm nhưng nó sẽ là vấn đề khi chuyện ấy liên tục xảy ra trong một thời gian dài, sự mệt mỏi bắt đầu tích tụ và biến thành căng thẳng theo thời gian.
Điều đó khiến cơ thể bạn mệt nhoài và bạn bắt đầu khó chịu với con mình. Có đôi lúc bạn sẽ thấy mình là một bà mẹ thật tồi tệ, thêm vào đó là cảm giác tội lỗi… Đáng sợ hơn là những người xung quanh bạn sẽ nghĩ bạn đang phóng đại vấn đề lên chứ đâu có việc gì nghiêm trọng như vậy.
Nhưng thực tế là hệ thần kinh cũng giống như các cơ quan khác trong cơ thể, nó cũng có thể bị bệnh. Mệt mỏi mãn tính thường dẫn đến kiệt sức về mặt cảm xúc. Trạng thái này bao gồm: sự bực bội với những điều nhỏ nhặt cho đến thờ ơ, lãnh cảm với mọi thứ. Và đó là lúc bạn cần phải quan tâm, khắc phục để làm mọi thứ tốt hơn.
Có một sự thật rằng, chúng ta sẵn sàng hỗ trợ, động viên, đưa ra lời khuyên, khen ngợi, an ủi những người xung quanh khi họ gặp khó khăn về cảm xúc, nhưng khi chính chúng ta ở trong hố sâu tuyệt vọng đó, chúng ta lại chẳng có gì tích cực để nói với chính mình.
Cảm giác tội lỗi, kiệt sức, mệt mỏi… cứ bủa vây lấy bạn. Rõ ràng, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi khi bạn khôi phục năng lượng tốt. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi bạn cảm thấy bị kích động, tức giận, bạn nên lắng nghe cảm xúc của chính mình, thay vì tự trách bản thân, hãy tự an ủi bản thân.
Hãy nhớ, chăm sóc bản thân thật tốt nghĩa là bạn đang bắt đầu chăm sóc cho những người bạn yêu thương, bởi vì chỉ khi bạn thân bạn khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, vui vẻ thì mới có sức để chăm sóc người khác.
Dĩ nhiên, những tháng đầu tiên khi làm mẹ, em bé cần tới bạn và bạn sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để toàn tâm toàn ý cho con. Nhưng điều đó không có nghĩa là kể từ khi làm mẹ, bạn sẽ phải hi sinh mọi thứ, bao gồm cả những nhu cầu, thói quen, sở thích của bản thân.
Chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, người mẹ hoàn toàn có quyền và nên dành thời gian làm những việc mình thích, chăm chút cho bản thân. Điều đó không có nghĩa bạn là một người mẹ ích kỉ và con sẽ phải chịu thiệt thòi.
Bạn có quyền sống cuộc sống của chính mình và đứa trẻ có thể thích nghi với điều đó. Cha mẹ hiện đại sẽ học cách cân bằng để vừa có thời gian cho con, vừa có thời gian cho cuộc sống của chính mình thay. Chính vì thế họ mới cảm thấy cuộc sống dễ chịu và làm tốt vai trò bố mẹ thay vì việc lúc nào cũng chỉ chăm chăm lo cho con và dần dần mệt nhoài với những áp lực.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, đa phần các bậc cha mẹ cố gắng mọi thứ với mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con mình. Mong muốn này dẫn đến tâm lí họ rất dễ nổi cáu khi con không được như kỳ vọng hoặc thờ ơ với những nhu cầu, cảm xúc của con. Đó cũng là lời giải thích cho việc những bà mẹ quá cầu toàn sẽ hét toáng lên, quát tháo khi thấy con mình khóc. Với họ, đó là một sự xấu hổ, họ sợ những người xung quanh sẽ nhìn và đánh giá.
Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn chấp nhận một thực tế, trên đời này không ai hoàn hảo cả, kể cả bạn cũng vậy, vì thế đừng quá cứng nhắc và đặt ra mục tiêu quá cao khi nuôi dạy con. Dù bạn làm gì, bạn cũng có thể sẽ có lúc phạm sai lầm. Một người mẹ đủ tốt là người cố gắng làm mọi thứ trong khả năng của mình, lắng nghe bản năng làm mẹ và cố gắng kết nối với con, hiểu con… Không đặt ra những tiêu chí quá cao xa để rồi tự mình thấy bất mãn khi mọi thứ không như mong đợi.
Đừng so sánh bản thân mình với những bà mẹ khác xuất hiện trên mạng xã hội. Hãy xem xét lại kỳ vọng và yêu cầu của riêng bản thân mình để biết mình cần phải làm gì. Đừng quá cầu toàn, bạn có thể cho phép cả gia đình gọi đồ ăn ngoài vào một hôm nào đó trong tuần thay vì việc lúc nào cũng phải tự mình chuẩn bị cơm ngon canh ngọt cho mọi bữa… Bạn cũng có thể nhờ người nhà đưa con đi học thay vì đích thân mình, có thể bỏ qua vết bẩn trên áo đồng phục của con hay nó bị nhàu mà chưa kịp là ủi…
Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu được giúp đỡ hoặc để mọi thứ có “tì vết” một chút cũng không sao cả. Đừng nhìn vào những “bà mẹ hoàn hảo” trên mạng để rồi phải gồng mình lên, sau đó quá mệt mỏi vì quá sức.
Cha mẹ đầu tư rất nhiều cảm xúc và năng lượng vào việc nuôi dạy con cái, và nếu không lưu tâm tới sự cân bằng cảm xúc, thể trạng, rất có thể bố mẹ sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức. Để khôi phục năng lượng của bạn hãy thử: đi đâu đó mà không có con, làm điều gì đó bạn thích, đừng đợi người thân nhận ra rằng bạn cần giúp đỡ, hãy yêu cầu sự giúp đỡ của mọi người, dành tiền và thời gian cho bản thân. Có lẽ bạn không biết rằng, đối với một đứa trẻ, một bà mẹ hạnh phúc quan trọng và đáng giá hơn gấp 100 lần so với việc có một món đồ chơi mới.
Nhà tâm lý học Laura Mazza, một bà mẹ 3 con đã từng trải qua trầm cảm sau sinh chia sẻ rằng: “Lần đầu làm mẹ giống như một cơn lốc xoáy và khiến bạn phát điên. Đó là những ngày thật khó khăn. Hãy nhờ một người trông con giúp để bạn ngủ, đưa con cho chồng bế hoặc đặt con vào chiếc cũi an toàn bên cạnh để chợp mặt một chút. Hãy nhớ, bạn là con người, bạn không cần phải cố gắng đến kiệt sức chỉ để làm một người mẹ tốt. Bạn càng không cần phải đánh mất chính mình chỉ vì bạn đã làm mẹ.
Khi bạn cảm thấy mình có những rối loạn về cảm xúc, không có động lực và sức mạnh để làm bất cứ điều gì, hãy gặp một bác sĩ tâm lý. Điều đó thực sự cần thiết”.
Có thể, thời thơ ấu của bạn, khi bạn tức giận, buồn bã hoặc khóc lóc, bố mẹ bạn đã không hề đến bên bạn để ôm ấp, vỗ về, an tủi, thậm chí họ còn mắng mỏ bạn, nhưng giờ đây, bạn hoàn toàn có thể nuôi con bằng một hướng tích cực khác.
Trước những vấn đề xảy ra, điều duy nhất giúp bạn giữ được mối quan hệ với con chính là sự đồng cảm, gắn bó. Để có được điều đó, cần phải duy trì thường xuyên thói quen này. Hiểu con bạn muốn gì và cho con hiểu rằng dù cho điều gì xảy đến bạn cũng sẽ luôn đồng hành cùng con.
Hãy nhớ, sự phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc của một đứa trẻ không phụ thuộc vào tình hình tài chính mà phụ thuộc vào các mối quan hệ xung quanh chúng.