Bệnh nhân là anh Đ.C.T. (40 tuổi, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng chân phải bị đau nhức, cử động khó, có dấu hiệu liệt. Theo anh này, căn bệnh này đã được phát hiện cách đây 3 năm (2015). Anh đã phải trải qua 2 lần phẫu thuật cắt u trước đó (lần 1 là vào năm 2015 và lần thứ 2 cách đây 10 tháng) nhưng không hiểu sao sau đó khối u lại tái phát.
Cách đây 1 tháng, các triệu chứng về chân lại xuất hiện. Kết quả chẩn đoán tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM cho thấy khối u xương lại tiếp tục phát triển, gây chèn ép dây thần kinh, làm liệt chân phải, rối loạn cơ vòng gây rối loạn tiêu tiểu… Khối u xương đã ăn mòn, phá hủy xương cùng cụt.
Bác sĩ Trần Quang Hiển - Phó trưởng khoa Cột sống A bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM cho biết, sau 3 tuần cắt khối u nguyên sống cho anh T., sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, diễn tiến tốt, bệnh nhân đã hết bí tiểu, đi lại được…. Trong thời gian tời bệnh nhân sẽ được chuyển sang bệnh viện Ung Bướu TPHCM để tiến hành xạ trị.
Theo bác sĩ Hiển, u nguyên sống là một bệnh lý hình thành trong quá trình phôi thai vào tuần thứ 8 (thời điểm thai nhi hình thành cột sống), diễn tiến chậm, âm thầm nên khi phát bệnh thường là tuổi trung niên. Bệnh này chiếm khoảng 5-6% trong các loại u xương, hay xuất hiện ở nền sọ hoặc xương cùng cụt.
Tuy nhiên u nguyên sống nằm tại vị trí đốt sống S1 thì cực hiếm gặp và khó điều trị. Đây là loại u xương ác tính, phát triển chậm, phá hủy mô xương, có tỷ lệ tái phát cao. Tỷ lệ mắc của u nguyên sống (Chodoma) vào khoảng 1/2000.000. Khối u này khó bóc tách vì nếu cắt bỏ u thì sẽ phải bỏ luôn "phần móng của cột sống". Chưa kể nó như cái đầu "chằn tinh" nếu cắt bỏ không hết là có thể mọc lại bướu khác.
Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ đã cắt bỏ khối u xương, cắt bỏ xương cùng cụt và đặt dụng cụ để nâng đỡ cột sống cho anh T.
“Đây là một ca mổ vô cùng phức tạp bởi bệnh nhân đã qua 2 lần cắt u. Đến nỗi, chính tôi từng khuyên bệnh nhân không nên mổ vì tiên liệu nhiều biến chứng có thể xảy ra do khối u ở vị trí có nhiều cơ quan như trực tràng, ruột, mạch máu, bàng quang…
Trong khi đó, nguyên tắc của ca mổ lần này là phải lấy trọn khối u để tránh tái phát. Việc phẫu thuật cũng có thể làm rò dịch não tủy trong túi cùng màng cứng. Tuy nhiên, trong tình thế không còn đường lùi, người bệnh quyết tâm được phẫu thuật nên chúng tôi phải nỗ lực để bước vào ca phẫu thuật này. ”, bác sĩ Hiển kể lại.
Ca mổ lần thứ 3 này có thể đã lấy trọn được khối u ra bên ngoài, điều này sẽ giúp cho việc điều trị tiếp theo hiệu quả hơn và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát trở lại.
Ba tuần sau ca mổ, anh T. đã cử động được chân phải, có thể đi đứng bằng nạng, cảm giác đau đã giảm nhiều và điều khiển được tiêu tiểu. Hiện tại bệnh nhân vẫn phải chờ cuộc hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để xác định phương hướng điều trị tiếp theo.