Theo chỉ dẫn của nhà ngọai cảm, có ba con đường dẫn đến cửa hầm kho báu. Ba con đường này sẽ dẫn đến “hầm chui”, “cửa thông hơi” và gặp nhau tại ngã ba đó chính là cửa hầm. Hàng chục nhân công trần lưng đục đá không kể ngày đêm nhưng "kho báu" chẳng thấy đâu mà chỉ toàn thấy đá.
Kỳ cuối: Trông cậy nhà ngoại cảm và kết thúc trong vô vọng
Cuối 2001 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền một lần nữa thuyết phục được cơ quan chức năng cấp lại giấy phép gia hạn và ông Trần Văn Tiệp trở lại núi Tàu.
Hàng chục mũi khoan, hàng trăm lượt nhân công lại được huy động nhưng cửa vào "kho báu" vẫn bặt vô âm tín.
Đến lần tìm kiếm khác, họ cậy nhờ một nhà ngoại cảm giúp nói chuyện với tướng Yoshida người chỉ huy việc chôn dấu kho báu. Chính nhà ngoại cảm này đã tự tìm ra một thanh kiếm mà theo ông đó là thanh kiếm của Nhật Hoàng, chứng minh chắc chắn sự có mặt của quân đội Nhật Hoàng trên đỉnh núi này.
Theo chỉ dẫn của nhà ngọai cảm, có ba con đường dẫn đến cửa hầm kho báu. Ba con đường này sẽ dẫn đến “hầm chui”, “cửa thông hơi” và gặp nhau tại ngã ba đó chính là cửa hầm. Hàng chục nhân công trần lưng đục đá không kể ngày đêm nhưng "kho báu" chẳng thấy đâu mà chỉ toàn thấy đá.
Sau đó hai ông lại tiếp tục bị 2 "nhà khoa học" lừa bán thuốc làm mềm đá nhưng thuốc đâu cũng chẳng thấy chỉ thấy 2 ông già tội nghiệp bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.
Cuối năm 2003, mệt mỏi và do bệnh tật hai ông đã tự kết thúc hơn mười năm tìm kiếm của mình.
Cuối năm 2011, lúc này ông Tám Hiền đã mất, bằng nhiều tài liệu chứng minh, ông Tiệp thuyết phục được tỉnh Bình Thuận cho phép tiếp tục tiến hành thăm dò "kho báu" trong thời gian 9 tháng, đồng thời ký quỹ 500 triệu đồng để chuẩn bị việc hoàn thổ sau khi kết thúc việc thăm dò.
Lần này ông Tiệp mời TS. Vũ Văn Bằng là kỹ sư nghiên cứu về địa chất làm việc tại Công ty cổ phần nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội), dùng máy đo bức xạ điện từ trường để khảo sát. Do công tác chuẩn bị kéo dài nên ông Tiệp được tỉnh Bình Thuận cho gia hạn tìm kiếm đến 10/10/2012.
Trong lần thăm dò này dưới sự hướng dẫn của TS. Vũ Văn Bằng, bằng phương pháp địa bức xạ, đã cho thấy các mũi khoan phía Bắc núi Tàu có dấu hiệu mới là các “khoang rỗng” dưới đất, tức là mũi khoan gặp các khoảng trống trong lòng núi Tàu, độ sâu cạn của các điểm khác nhau, trung bình từ 10 – 40cm với diện tích tương đối lớn. Căn cứ các dấu hiệu này, ông Trần Văn Tiệp cho đó là “đường dẫn” vào hầm chôn giấu tài sản ở núi Tàu. Từ những thông tin do máy khoan đưa lại và nghi là “đường dẫn” vào hầm chôn giấu “kho báu”, nên UBND tỉnh Bình Thuận lại gia hạn cho ông Tiệp thêm 1 năm nữa.
Lần này tỉnh cho phép ông Tiệp dùng mìn phá đá để tiếp cận các "khoang rỗng". Hàng trăm ký thuốc nổ làm rung chuyển núi Tàu trong hơn 1 năm trời nhưng vẫn không có một dấu hiệu nào cho thấy có "kho báu".
Ngày 10/3/2015, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký văn bản thông báo chấm dứt hành trình 40 năm tìm kiếm "kho báu" trong vô vọng của ông Trần Văn Tiệp.