Nếu là nhà báo thật thì thuộc về giới có chữ nghĩa rồi. Có chữ rồi mà sao còn viết thế? (Tôi không có ý khẳng định rằng: Tất cả những người có chữ đều có tâm, nhưng nếu biết sợ khẩu nghiệp, thì tâm sẽ thiện hơn, viết sẽ sáng hơn). Điều bạn nhà báo trên viết có thể do nghĩ tếu táo, vui thôi, nhưng người đọc lại không nghĩ thế. Những điều đó nghĩ thôi đã không nên, huống hồ viết ra.
Nhân chuyện này, tôi muốn mở rộng liên hệ một chút. Từ nói ác đến làm ác không xa nhau lắm đâu. Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi, bưng bát cơm lên biết mời ông bà, bố mẹ, biết ân hận và xót thương... là vun đắp dần cho các con biết hướng thiện, có lương tâm, sau này sẽ là những công dân ngay thẳng.
Công việc vĩ đại này thuộc về gia đình và nhà trường trước khi ta bàn giao các con cho xã hội khi chúng trưởng thành. Tôi gọi vĩ đại bởi nó cần rất nhiều thương yêu, kiên nhẫn, gương mẫu. Giáo dục không sốt ruột được.
Tôi tha thiết xin các vị phụ huynh lưu ý cho một điều: Tuổi thơ của các con cũng như của chính chúng ta, trôi qua rất nhanh, đừng hy sinh tuổi thơ của trẻ để đổi lấy một tương lai mà chưa chắc gì nó đã là ông này bà nọ, bằng cách hành hạ chúng với hàng núi bài tập. Đánh cắp tuổi thơ của trẻ là có tội. Là công dân tốt còn quý hơn nhiều một người có học hành mà thiếu lương thiện.
Trở lại, là phụ nữ, được khen xinh đẹp, được là Hoa hậu, ai chả muốn. Nhưng để đạt được tới vinh quang đó, ngoài nhiều thứ trời cho, tôi đoán họ còn phải lao động, tập tành vất vả nhiều. Vậy, ta cũng mừng cho họ. (Nhưng thực tâm, tôi nghĩ, Hoa hậu cũng không sung sướng gì).