ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm (Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết, bệnh nhân Thanh Nga bị rối loạn co thắt âm đạo, gây khó khăn khi quan hệ tình dục.
Qua kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện cả 2 vợ chồng đều có yếu tố nguy cơ vô sinh. Người chồng tinh trùng dị dạng 90%, người vợ khi thực hiện xét nghiệm đo nồng độ hormone Anti-Mullerian trong máu thì cho kết quả suy giảm còn 1.3.
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết, co thắt âm đạo có ảnh hưởng trung bình từ 0,5% đến 1% tổng số phụ nữ trên toàn cầu. Người bị bệnh sẽ có cơn đau co thắt vùng kín khi có sự thâm nhập vào vùng kín, bao gồm quan hệ tình dục đường âm đạo, chèn tampon trong khi hành kinh hay khi thăm khám phụ khoa.
Đây là một rối loạn chức năng co giãn cơ ở âm đạo. Khi có bất kỳ sự thâm nhập nào vào ống âm đạo, cơ sẽ bị căng ra hoặc thắt chặt. Bệnh ảnh hưởng đến đời sống tình dục, cản trở hạnh phúc gia đình nhiều cặp đôi.
Do không thể quan hệ tình dục nên phụ nữ có nguy cơ hiếm muộn, phải sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản để sinh con.
"Thai kỳ là liều thuốc tốt nhất cho chứng co thắt âm đạo. Các hormone thai kỳ làm mềm các cơ âm đạo, nên người bệnh sau khi có thai có thể thăm khám và sinh đẻ thuận tự nhiên", bác sĩ Tâm lý giải.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, đối với chứng co thắt âm đạo gặp ở phụ nữ chưa sinh con có thể điều trị bằng thuốc, can thiệp nong âm đạo. Nhưng bệnh nhân có tâm lý sợ thâm nhập thì nguy cơ tái phát co thắt âm đạo rất nhanh.
Cách tốt nhất là có thai thì tự động chứng co thắt âm đạo biến mất, sau đó hướng dẫn bệnh nhân quan hệ an toàn trong thai kỳ. Chứng co thắt âm đạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ vợ chồng nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân thường đến bệnh viện muộn sau nhiều năm kết hôn không thể quan hệ tình dục.
Phần lớn là do tâm lý e ngại, nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng, khiến tình trạng thêm nặng nề, để lại hậu quả đối với chức năng sinh sản.
Các triệu chứng bệnh co thắt âm đạo có thể xuất hiện trong những năm cuối tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn đầu tuổi trưởng thành khi một người quan hệ tình dục lần đầu tiên. Khi đó, phụ nữ không tạo ra sự co thắt một cách có ý thức mà phản xạ co thắt âm đạo giống như phản xạ nhắm mắt khi có vật lạ bay vào.
Không phải do người phụ nữ không muốn giao hợp hoặc không yêu bạn tình của mình, mà họ bị ức chế bởi sự đau đớn. Khi có sự thâm nhập vào âm đạo, người trong cuộc sẽ đau đớn, gồng người, phản kháng, cản trở việc quan hệ tình dục.
Theo các nghiên cứu, nguyên nhân gây co thắt âm đạo bao gồm rối loạn cơ sàn chậu, dẫn đến co thắt không kiểm soát. Các trường hợp viêm nhiễm, u xơ tử cung, lạc nội mạc… cũng có thể dẫn đến cơn co thắt. Ngoài ra, yếu tố tâm lý như từng bị xâm hại tình dục, hiếp dâm, bạo lực gia đình…
Để điều trị căn bệnh, phải nắm rõ vấn đề người bệnh và tiến hành điều trị cá thể hóa. Bệnh nhân có thể được điều trị với các biện pháp: vật lý trị liệu, tâm lý, thuốc. Theo bác sĩ Tâm, phụ nữ có thể luyện tập các bài về cơ sàn chậu theo sự hướng dẫn của bác sĩ và máy móc hỗ trợ.
Thông qua các buổi tập, người bệnh được đánh giá cơ sàn chậu, hướng dẫn cách thư giãn cơ sàn chậu. Một số trường hợp phải sử dụng phương pháp nong âm đạo bằng cách sử dụng thiết bị hình ống, đặt vào âm đạo để nong chu vi và kéo dài ống âm đạo.