Minh Nguyệt ở Thủy Nguyên, Hải Phòng lấy chồng được gần một năm. Nhà nội và ngoại ở gần nhau nên cứ mỗi khi mẹ chồng - con dâu có điều gì mâu thuẫn là bố mẹ Nguyệt trở thành "thùng đựng than vãn". Có khi mẹ chồng sang chỉ để chê con dâu ở bẩn, không biết chăm sóc gia đình, lúc lại tố cáo cô hỗn hào bởi mẹ chồng nói câu nào cãi câu đó.
Bố Nguyệt mỗi lần nghe thấy vậy chỉ im lặng thở dài, còn mẹ cô chỉ biết lặp lại điệp khúc quen thuộc "Con dại cái mang, mong ông bà thông cảm". Thấy thái độ xuống nước của thông gia, lần nào mẹ chồng cô cũng thở dài đứng lên rồi chốt một câu trước khi ra về: "Ông bà xem thế nào dạy dỗ lại con gái".
Thanh Huyền ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lấy chồng được ba năm. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng kể từ khi cô sinh con. Bà muốn nuôi dạy cháu theo cách truyền thống, còn Huyền lại thích kiểu hiện đại. Cô vắt sữa trữ trong tủ lạnh nhưng mẹ chồng đổ hết vì cho rằng đồ đông lạnh không tốt, yêu cầu cô cho con bú trực tiếp. Cháu ốm sốt muốn đưa đi khám bà cũng gạt đi mà mua đống lá về đun uống.
Không muốn mẹ chồng can thiệp vào việc nuôi con, Huyền cự cãi, chê cách làm của bà lạc hậu. Gây sức ép lên con dâu không được, mẹ chồng gọi điện cho thông gia kể lể. Trong những cuộc điện thoại, bà chê trách Huyền học mấy thứ linh tinh trên mạng, sợ có ngày hại cháu.
"Dù đã đề nghị mẹ chồng dừng việc gọi điện nhưng bà nói vì không nhận được sự tôn trọng từ con dâu nên muốn thông gia tác động tới tôi. Nhưng con ai người đó nuôi, tôi không thể theo ý bà", Huyền nói.
Gần 20 năm làm chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) thừa nhận những ca mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu dẫn tới việc bị tố sang nhà ngoại không hiếm gặp.
"Hiện tượng trên xảy ra khi con dâu không đáp ứng được những tiêu chuẩn của gia đình chồng. Trong khi đó nữ giới ngày nay lại độc lập tự chủ, không phục tùng vô điều kiện yêu cầu của nhà chồng như trước, nên việc xảy ra cự cãi, kể tội rất khó tránh", bà Nga nói.
Trong khảo sát gần đây của VnExpress với hơn 200 độc giả, 40% số người được hỏi cũng thường xuyên hoặc đã từng bị mẹ chồng kể tội với nhà đẻ.
Nghiên cứu năm 2021 của tác giả Lê Ngọc Lan (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cho thấy trong mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu, hơn 30% con dâu cho biết không hợp tính mẹ chồng. Có đến 85% mẹ chồng cho rằng con dâu không thể hiện tình cảm như bà mong muốn. Có 37,7% mẹ chồng nói con dâu vô tâm, 18,2 % không ngăn nắp, gọn gàng, 16,9% thiếu tôn trọng bố mẹ chồng.
Theo bà Nga khi quan hệ mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp, việc kể tội là cách để trút sự bực bội khó chịu, giải tỏa căng thẳng. Nếu không thể trút vào đối tượng chính, việc mẹ chồng nhắm vào mối quan tâm hay người quan trọng của đối tượng sẽ khiến tâm lý dễ thỏa mãn hơn.
Ngoài ra, cách làm này muốn đánh vào lòng tự trọng của con dâu, để họ thấy mất mặt mà phải điều chỉnh hành vi, sống biết điều hơn. Việc tác động lên thông gia còn nhằm mục đích mong con dâu được bố mẹ đẻ dạy dỗ lại sao cho phù hợp với tiêu chuẩn nhà chồng.
Nguyên nhân nữa theo bà Nga là nhiều nàng dâu có hành vi, cách ứng xử không khéo léo hay phù hợp với gia đình chồng. Trong trường hợp này việc chia sẻ sự việc với thông gia là điều cần thiết, là cách mà mẹ chồng muốn san sẻ gánh nặng cũng như mong tìm được hướng giải quyết tốt hơn cho mối quan hệ.
"Dù là nguyên nhân nào thì việc kể tội con dâu với thông gia cũng không phải giải pháp tốt mà chỉ khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày càng tệ, thậm chí còn đe dọa đến hạnh phúc lứa đôi", bà Nga khẳng định.
Như gia đình Thanh Huyền, những lần đầu bị thông gia làm phiền, bố cô cảm thấy khó chịu, bảo con gái đừng để mẹ chồng gọi đến than vãn nữa. Ông mắng cô không biết thương bố mẹ, cư xử với nhà chồng không khéo nên ông bà không được yên thân. Nhưng sau khi phải nghe nhiều lời phán xét từ thông gia, ông khuyên nếu không thể dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì nên ra ở riêng. Vì là con trai duy nhất nên chồng Huyền không đồng ý với phương án này. Vợ chồng vì thế cũng thường xuyên cự cãi.
Còn với Minh Nguyệt, cô nói rằng bản thân nhẫn nhục thế nào cũng được, nhưng khi chạm tới bố mẹ đẻ chắc chắn không thể ngó lơ. Nguyệt đề nghị mẹ chồng không tiếp tục làm phiền gia đình mình thì bị đay nghiến "bố mẹ cô không biết dạy con, để lộng ngôn bên nhà chồng". Bà còn đòi trả con dâu về để được dạy bảo lại, khi nào biết cư xử thì tiếp tục về làm dâu.
Mới đây, Nguyệt đề nghị chồng ra thuê nhà ở riêng, nếu không cô sẽ đệ đơn ly hôn.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng- nàng dâu trong tình huống này, theo bà Nga tốt nhất nên sống riêng nhằm giảm bớt những mâu thuẫn có thể tiếp tục leo thang. Còn nếu không thể, phải biết cách làm hài hòa mối quan hệ.
Chuyên gia khẳng định các bà mẹ chồng nên nhớ việc kể tội hoàn toàn phản tác dụng. Một người khi bị hạ thấp nhân phẩm sẽ khiến họ xấu hổ và quay sang thù ghét hay chống đối chứ không tìm cách thay đổi cho tốt đẹp hơn.
Với nàng dâu, bà Nga khuyên cần thường xuyên trò chuyện qua đó hiểu thêm tính cách, thói quen sinh hoạt và cả những điều mẹ chồng mong đợi ở mình để tìm cách sống hòa hợp.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho hay, khi sống chung dưới một mái nhà, mẹ chồng nàng dâu nên hòa nhập cuộc sống vào nhau.
"Với người con dâu hiện đại, đừng nên lúc nào cũng tỏ ra mình hiểu biết hay giỏi giang hơn mẹ chồng, dẫn tới việc không tôn trọng ý kiến người già", ông Hòa nói.
Theo chuyên gia, một khi phát sinh mâu thuẫn, con dâu không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức. Nếu mẹ chồng hành động chưa đúng, nên ngồi lại nói chuyện giải tỏa khúc mắc. Nếu bản thân con dâu hành xử chưa đúng, cần nhìn nhận lại để sửa đổi.
Cũng theo ông Hòa, khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nổ ra, người chồng là mắt xích quan trọng cân bằng lại mối quan hệ, không nên tỏ ra vô can để mặc cho hai người phụ nữ tự xoay sở trong mâu thuẫn.
"Khi đứng giữa mẹ và vợ, người chồng không nên hùa theo một phía và chỉ trích bên còn lại. Thái độ trung lập rất quan trọng bởi nó sẽ giúp đôi bên hiểu và thông cảm cho nhau hơn.", ông Hòa nói.