Rau ngổ hay còn gọi ngò om là một loại rau rất quen thuộc với các bà nội trợ để thêm vào các món canh, lẩu nhằm giúp tăng mùi thơm cho món ăn.
Rau ngổ còn có thể dùng ăn sống kèm với một số món ăn khác như: bún, phở, hủ tiếu hoặc nấu canh chua với cá biển để át bớt mùi tanh.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, loại rau này cũng được xem là một vị thuốc được dùng để trị nhiều loại bệnh khác nhau. Thành phần của rau ngổ bao gồm nước, vitamin và nhiều khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như vitamin B, C…
Theo Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột, làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa…
1. Trị ho, sổ mũi
Ho, sổ mũi là các triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là khi thời tiết trở lạnh hay chuyển mùa.
Bài thuốc: Lấy 5 – 30 gr rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày là bệnh sẽ bớt hẳn.
2. Trị sỏi thận
Lấy rau ngổ 50g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống ngày 2 lần trong 5 - 7 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với râu ngô, mã đề, cối xay.
3. Trị tê tay, tê chân
Nếu thường xuyên bị tê tay, tê chân hoặc các chi khớp, bạn có thể lấy ít rau ngổ, cho vào ấm nấu thành nước uống, sẽ đỡ hơn rất nhiều.
4. Trị rắn cắn
Bệnh nhân bị rắn cắn sau khi khử độc, lấy 15-20g rau ngổ tươi, 25g kiến cò, đem giã nát, thêm vào 20-30 ml rượu trắng, lọc lấy nước uống. Phần bã đừng vội bỏ đi, hãy đem đắp lên vết thương và dùng gạc băng lại. Cũng có thể lấy 20 – 40 gr rau ngổ khô, sao vàng, sắc lấy nước uống 4 – 5 lần liều.
5. Trị bệnh gan nhiễm mỡ
Lấy 100g rau ngổ phơi khô sao vàng hạ thổ 1 lần, sắc 10 phút với 50g bạc hà phơi khô sao vàng hạ thổ 1 lần trong 100ml nước, uống liên tục 1 tháng vào buổi tối, sau khi ăn.
6. Tốt cho người hay ngủ mơ
Lấy 50g rau ngổ rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt, thêm vài hạt muối uống lúc sáng mới tỉnh dậy chưa đánh răng súc miệng, liên tục 10-15 ngày.
Bên cạnh đó, rau ngổ còn có thể trị được một số bệnh như: trị da nổi mụn, thô ráp; trị tiểu tiện khó; trị ban đỏ; trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu…
Lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý, các bài thuốc trên chỉ là gợi ý. Do đó, khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.